Những món ăn rất quen thuộc với người Việt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Bánh mì là món ăn hấp dẫn, ngon miệng nhưng cũng dễ gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa: Asianinspirations.
Mới đây, vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì tại Đồng Nai đã ghi nhận hàng trăm người, trong đó có nhiều ca nặng phải điều trị hồi sức tích cực. Trước đó, tại Bình Dương, 49 người cũng được phát hiện có triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn bánh mì, bánh bao của người dân phát từ thiện.
Trong khi đó, tại TP.HCM, khoảng 15 học sinh tại các trường tiểu học ở TP Thủ Đức có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn sushi, cơm tấm, bún bò mua ở quán hàng rong trước cổng trường. Hồi tháng 4, 29 học sinh ở Khánh Hòa cũng phải nhập viện sau khi ăn món cơm cuộn, cơm nắm mua của người bán rong trước cổng trường.
Bánh mì, sushi hay nhiều món ăn đường phố khác rất phổ biến tại Việt Nam. Ngộ độc rất dễ xảy ra khi những món ăn này không được bảo quản, chế biến đúng cách, đặc biệt là trong những tháng nắng nóng cao điểm.
Bánh mì
Bánh mì là món ăn đường phố hấp dẫn không chỉ phổ biến với người Việt mà còn được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới. Vì rất ngon miệng và tiện lợi, các quán bánh mì xuất hiện khắp những đường phố lớn đến các con ngõ nhỏ, bạn có thể ăn bánh mì vào bất cứ các bữa ăn trong ngày.
Về cơ bản, loại nhân bánh mì truyền thống thường có thịt, chả, patê, dăm bông, xúc xích, lạp xưởng, rau thơm, tương ớt, nước sốt…
Bánh mì có rất nhiều nguyên liệu đi kèm. Ảnh minh họa: Vietnamtourism.
Những nguyên liệu cho bánh mì nếu không được bảo quản cẩn thận có thể dễ nhiễm các vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Escherichiacoli, Listeria, Campylobacter, Bacillus cereus, Vibrio, Clostridium botulinum… Người bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải… Ngộ độc nặng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Giống bánh mì, xôi mặn cũng là món ăn sáng phổ biến với nguyên liệu ăn kèm tương tự. Bạn dễ bị nhiễm vi khuẩn nếu ăn phải xôi không được bảo quản, chế biến phù hợp.
Sushi
Theo Very Well Health, ngộ độc thực phẩm do sushi có thể do ký sinh trùng như Anisakzheim hoặc vi khuẩn như Vibrio, Salmonella hay Listeria gây ra. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc trong vòng vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Cách duy nhất bạn có thể tránh hoàn toàn ngộ độc thực phẩm từ sushi là tránh ăn sushi được chế biến từ hải sản sống hoặc nấu chưa chín. Nếu người xử lý thực phẩm không vệ sinh tay tốt, các bệnh nhiễm trùng khác (như norovirus, viêm gan A và Staphylococcus Aureus) có thể lây lan.
Sushi có thể gây ngộ độc khi được làm từ hải sản sống hoặc chưa chín. Ảnh minh họa: Thebusinessjournals.
Khi ăn sushi tại nhà hàng, bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chọn sushi chay hoặc sushi chế biến từ cá nấu chín. Nếu bạn chọn ăn sushi làm từ cá sống, chỉ chọn những nhà hàng có uy tín và hỏi về cách thực hành cũng như nguyên tắc chế biến món ăn của bạn.
Không thể biết sushi có bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh hay không. Nói chung, sushi không được có mùi tanh. Mùi tanh có thể cho thấy cá không còn tươi. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn có thể sống trong cá tươi và bản thân vi khuẩn không tạo ra mùi.
Cá viên chiên
Ngoài bánh mì, sushi, cá viên chiên cũng là món ăn nhẹ phổ biến có thể tìm thấy tại đường phố nhiều nơi trên thế giới. Được làm từ thịt cá băm nhuyễn, chúng là nguyên liệu thông dụng có thể dùng trong nhiều món ăn hoặc thưởng thức riêng như một món ăn nhẹ.
Tuy nhiên, do bày bán trên đường phố, cá viên chiên dễ tiếp xúc với các mầm bệnh gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. Hầu hết người bán hàng rong đều thiếu vệ sinh, nguyên liệu nấu ăn không sạch. Ngoài ra, cá viên chiên đôi khi không được nấu chín kỹ và dầu chiên được dùng quá nhiều, tái sử dụng nên dễ bị nhiễm vi khuẩn, chất độc hại.
Cá viên chiên là món ăn đường phố rất phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa: Angsarap.
Thông thường, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản không đúng cách, không nấu chín kỹ, bàn tay nhiễm khuẩn chạm vào thức ăn, lây nhiễm chéo hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng.
Do đó, người chế biến và các cơ sở sản xuất thực phẩm cần đảm bảo nguyên tắc an toàn từ khâu chọn nguyên liệu, điều kiện và quy trình chế biến, bảo quản để phòng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc.
Theo Mai Phương/Znews.vn