Nhiều hợp tác xã trồng rau an toàn ở TPHCM đang phải hoạt động cầm chừng do thiếu đầu ra, xã viên lần lượt xin rút vốn do thu nhập ngày càng thấp. Tuy nhiên, đầu ra chỉ là một trong nhiều khó khăn mà các hợp tác xã phải đối mặt.
Nhà lưới bỏ hoang, nông dân chán nản
Nhà có 2.000m2 nhưng ông Lại Văn Đăng – ở ấp 4, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Phước An, xã Tân Quý Tây – chỉ dùng 500m2 trồng rau dền, diện tích còn lại bỏ hoang. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau, ông lắc đầu khi thấy nhiều cây rau con chết ngang do nắng nóng và thiếu nước. Ông phải tưới rau bằng nước từ con mương kế bên vì những giếng nước trong vườn đã hỏng.
Chỉ vào những trụ sắt mục nát, gãy ngang, ông cho biết, chúng được xây để làm nhà lưới từ nhiều năm trước, nay nhà lưới không còn, trụ cũng hư theo. Ông cho hay, kể từ đợt dịch COVID-19 năm 2020, đầu ra không có nên hộ ông cũng như nhiều xã viên khác của HTX Phước An phải giảm diện tích trồng rau. Có người chán nản, bỏ trồng khiến các nhà lưới trồng rau xuống cấp, hư hỏng nặng.
Trước dịch, mỗi ngày, HTX cung ứng 2,5-3,5 tấn rau cho thị trường. Khi đó, gia đình ông trồng rau trên toàn bộ 2.000m2 đất, vợ chồng ông cùng vợ chồng con trai ông ngày nào cũng thức dậy từ 4g, cắt rau để 9g xe tải đến chở, sau đó lo tưới rau, làm đất. Còn hiện nay, 6g sáng, người nhà ông mới ra vườn cắt rau, sau đó con trai ông phải tự chở bằng xe máy đi giao cho HTX, đến 9g là hết việc. Ông nói: “500m2 đang trồng rau dền chủ yếu là con trai tôi làm, còn tôi mỗi tháng làm giỏi lắm 15 ngày. Vậy mà nó còn rảnh rỗi, ai kêu gì mần nấy để có thêm đồng ra đồng vô”.
Ông Lại Văn Đăng bên ruộng rau dền với nhiều cây con chết ngang do không chịu nổi nắng nóng kéo dài – Ảnh: Phan Tuyền
Cách đó không xa, nhà lưới của ông Lại Văn Hùng cũng xuống cấp nghiêm trọng, cột sắt gỉ sét, lưới rách toạc, dàn đèn treo trên các khung sắt cũng hư hỏng nhiều. Xung quanh nhà ông, đất xám xịt do bỏ hoang lâu ngày, cỏ trong mùa khô không mọc nổi.
Tương tự, diện tích trồng rau của xã viên HTX Toàn Cầu (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) cũng giảm còn 30% so với trước dịch. Ông Phạm Văn Hoàng – Giám đốc HTX Toàn Cầu – cho biết, rau đưa vào siêu thị phải đạt chuẩn an toàn (VietGAP hoặc GlobalGAP), được đóng gói, có thương hiệu, nhãn dán. Dù yêu cầu khắt khe nhưng siêu thị chỉ đặt mua vài chục ký mỗi ngày với giá khoảng 9.000-9.800 đồng/kg, thấp hơn giá bán lẻ ở chợ. Với giá này thì HTX không có lời. Thế nhưng, hiện tại, HTX chấp nhận cung ứng hàng trở lại thì siêu thị không đặt mua nữa. Hiện nay, HTX chủ yếu cung ứng cho các mối lẻ ở các chợ truyền thống của địa phương như Thuận Đạt, Bình Chánh và các tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền.
Ông Trần Hiếu Trung – Giám đốc HTX Nông nghiệp, Rau sạch công nghệ cao Nông Phố (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) – cho biết, cuối năm 2023, HTX đã ngưng trồng rau do bán chậm. Thành lập cách đây khoảng 8 năm, trồng bằng phương pháp thủy canh, sản phẩm của Nông Phố chủ yếu bán ở các chợ phiên nông sản sạch của TPHCM và bán lẻ ở các chợ. Trước đây, mỗi ngày, Nông Phố bán ra chợ từ 30 – 60kg rau, nay chỉ bán cầm chừng 5 – 6kg. Rau Nông Phố không vào siêu thị là do vốn đầu tư trồng rau cao, trong khi giá mua vào của siêu thị rất thấp.
Không chỉ gặp khó về đầu ra nông sản
Khi chúng tôi đến nhà sơ chế rau của HTX Phước An, chỉ có 4 công nhân làm việc bởi HTX chỉ cung ứng cho siêu thị khoảng 50kg rau/ngày. Các công nhân cho biết, khi có rau, 4 người làm khoảng 90 phút là hết việc, trong khi trước dịch, nhà sơ chế luôn có hơn 25 công nhân, có hôm làm việc đến 23g mới xong.
Ông Trần Văn Thích – Giám đốc HTX Phước An – cho hay, trước dịch (năm 2020), mỗi ngày, HTX Phước An thu từ các xã viên 2,5-3,5 tấn rau, tiền bán rau 2-2,2 tỉ đồng/tháng. Đầu ra tốt đã giúp xã viên có thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng. Thế nhưng, kể từ sau đợt dịch (tháng 10/2021 trở đi), mỗi ngày, HTX Phước An cung ứng ra thị trường chỉ vài trăm ký rau các loại, trong đó rau vào các siêu thị chỉ khoảng 20 – 30kg/ngày, riêng Chủ nhật được 50kg. Do vậy, HTX không dám đặt hàng xã viên sản xuất. Ông nói: “Làm lúa không có lời, nông dân chuyển sang trồng rau nhưng bây giờ rau lại không có đầu ra”.
Nhiều vườn rau của xã viên Hợp tác xã Phước An bỏ hoang do thiếu đầu ra – Ảnh: Phan Tuyền
Ông thông tin thêm, năm 2023, HTX bị âm 36 triệu đồng. Trước dịch, HTX có 62 thành viên góp vốn và 95 hộ ký hợp đồng trồng rau nhưng giờ chỉ còn 32 thành viên. Với đơn hàng hiện tại, nhiều xã viên lần lượt xin rút vốn, một số ráng bám trụ chờ ngày hồi phục, một số bỏ vườn để tìm việc khác. Ông mong muốn: “Tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ, tìm thêm đơn hàng từ các bếp ăn tập thể của công ty, trường học để nông dân ổn định đầu ra. Chúng tôi cũng mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí, cho thuê đất công để đầu tư làm nhà sơ chế đạt chuẩn. Hiện nay, do nhà sơ chế chưa đạt chuẩn nên rau của HTX Phước An chỉ tiêu thụ được trong nước”.
Ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức) – cho hay, sau đợt dịch COVID-19, người dân cắt giảm chi tiêu, nhiều người tự trồng rau ăn khiến nguồn cung rau dôi dư. Thêm vào đó, rau an toàn từ các tỉnh, thành cũng cạnh tranh mạnh mẽ với rau của các HTX ở TPHCM. Mặc dù đã đưa được rau vào các hệ thống siêu thị lớn như Co.op, Bách Hóa Xanh, các chuỗi 3S, Fastfood, Khải San Food nhưng thời gian qua, HTX Tuấn Ngọc cũng chỉ cung ứng được lượng rau bằng 30 – 50% so với trước khi có dịch.
Theo ông, các HTX vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng: “Chúng tôi phải thuê đất để trồng rau. Khi vay vốn, ngân hàng không chấp nhận việc HTX lấy nhà kính, nhà lưới có giá trị đầu tư hàng tỉ đồng làm tài sản thế chấp”. Ông nhận xét, ngoài khó khăn về đầu ra sản phẩm, các HTX nông nghiệp còn gặp khó khăn trong việc đầu tư do một số chính sách thiếu đồng bộ. Chủ trương của chính quyền TPHCM là ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng thủ tục để làm hệ thống nhà kính, nhà lưới trên đất nông nghiệp lại rất nhiêu khê.
Nhà sơ chế của Hợp tác xã Phước An chỉ còn vài công nhân làm việc nhưng vẫn không có nhiều việc để làm – Ảnh: Phan Tuyền
Năm 2019, khi thành lập, HTX Tuấn Ngọc trồng rau trong 10.000m2 nhà kính, nhà lưới ở TPHCM. Sau 4 năm, diện tích nhà kính, nhà lưới chỉ còn 1.000m2. Nguyên nhân là khi chủ đất đòi lại mặt bằng, HTX đi thuê chỗ khác thì chính quyền không cho phép làm nhà kính, nhà lưới. HTX Tuấn Ngọc phải chuyển hệ thống này về huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trong khi đất nông nghiệp bỏ hoang của TPHCM còn rất nhiều.
Với khó khăn về đầu ra, ông Lâm Ngọc Tuấn mong chính quyền thành phố và địa phương phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, trong đó tuyên truyền mạnh hơn để người dân tin tưởng và sử dụng nông sản của thành phố: “Tôi mong trong các hệ thống siêu thị ở TPHCM có kệ trưng bày, bán nông sản của thành phố để kích thích người dân tiêu thụ nhiều hơn, từ đó giúp các HTX phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
TPHCM phấn đấu có 470ha trồng rau công nghệ cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, năm 2023, ở lĩnh vực trồng trọt, thành phố có 480 cơ sở, với 803ha diện tích canh tác đã được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, các hộ nông dân riêng lẻ trồng rau quả đạt chứng nhận VietGAP vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Về nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, do đầu tư cho lĩnh vực này cần vốn đầu tư cao nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia. Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn là 462,4ha, sản lượng khoảng 90.160 tấn. Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt ra chỉ tiêu diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ cao là 470ha, sản lượng 91.000 tấn. Phấn đấu chứng nhận VietGAP rau năm 2024 đạt 500ha. Chỉ tiêu tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố là 45 – 48%.
Hoàng Lâm
Xây nhà lưới hàng chục tỉ đồng rồi bỏ hoang
Năm 2014, HTX Phước An và xã viên được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 14,9 tỉ đồng xây dựng 15 nhà lưới trồng rau an toàn, mỗi nhà rộng 1.000m2, trị giá 800 triệu đồng (gồm nhà lưới, giếng nước, hầm xử lý nước thải). Riêng HTX Phước An được hỗ trợ kinh phí xây dựng kho hàng chế biến nông sản và hội trường làm việc. Nhưng hiện tại, chỉ còn 6 nhà lưới duy trì hoạt động, số còn lại hư hỏng, mục nát và bị bỏ hoang. 2 năm trước, 9 sản phẩm rau của HTX Phước An được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện tại, rau của HTX này chỉ tiêu thụ nội địa do nhà sơ chế chưa được đầu tư đúng chuẩn.
Hợp tác xã phải chủ động thay đổi
Theo ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc – trước dịch COVID-19, mỗi ngày, HTX bán ra khoảng 700 – 800kg rau, trong đó chỉ có 20% xà lách các loại. Với nhu cầu của thị trường hiện tại, HTX tăng tỉ lệ xà lách lên 50%, tương đương 200kg/ngày, giảm các loại rau dền, tần ô, rau muống, cải các loại từ 80% xuống còn 50%. Việc chuyển đổi kịp thời này giúp HTX giảm phần nào khó khăn về đầu ra. HTX đang đàm phán để ký hợp đồng cung ứng rau cho một công ty nước ngoài với sản lượng 10 tấn/tháng và đang cố gắng thuyết phục các thành viên quay lại trồng rau để cung ứng cho đơn hàng này.
Cố gắng hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho hợp tác xã
Theo ông Mai Ngươn Khánh – Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh – lạm phát sau đợt dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến các HTX trồng rau an toàn ở huyện. Trước mắt, hội sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật như tổ chức cho lãnh đạo các HTX tham quan, học tập những mô hình HTX hiệu quả ở tỉnh bạn, phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tìm đầu ra cho các HTX thông qua các bếp ăn tập thể trong và ngoài huyện, phối hợp với Huyện đoàn hướng dẫn nông dân chuyển từ cách thức bán nông sản truyền thống sang bán trên các sàn thương mại điện tử. Đoàn viên thanh niên sẽ hỗ trợ nông dân chụp hình sản phẩm, rao bán và nhận tiền thanh toán trên nền tảng số.
Theo Nguyệt Minh – Phan Tuyền/Phunuonline.com.vn