Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn và các đối tượng nguy cơ cao cần tiêm chủng vắc xin COVID-19, tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng dịch.
Tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Hà Nội năm 2022 – Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, từ tháng 10-2023, Bộ Y tế có quyết định điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Hiện nay COVID-19 được kiểm soát, quản lý bền vững, trong đó tiêm vắc xin là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2023-2025.
Bộ Y tế đánh giá hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận.
Tháng 11-2023, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới.
Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đối tượng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 bao gồm: cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.
Chế tạo vắc xin ‘đón đầu’ nhiều chủng vi rút corona, kể cả chủng chưa được biết đến
Về liều tiêm, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể: đối với người chưa tiêm chủng sẽ tiêm ngay 1 liều. Người đã tiêm thì tiêm thêm 1 liều cách liều trước đó từ ít nhất 6 tháng bằng vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
Đối với phụ nữ có thai tiêm 1 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để được cung ứng kịp thời và tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.
Đến nay nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc xin COVID-19.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.
***WHO khuyến cáo tiếp tục tiêm chủng vắc xin COVID-19
Đầu tháng 5 vừa qua, biến thể COVID-19 mới có tên KP.2 lan nhanh ở Mỹ, Anh và Canada, được cho là có khả năng “né” miễn dịch tốt hơn tất cả các biến thể trước đây.
Tại Việt Nam, biến thể gần đây nhất được ghi nhận và được ngành y tế khuyến cáo theo dõi là JN.1. Đây là biến thể thuộc nhóm cần quan tâm theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Biến thể JN.1 được đánh giá có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin cũng như né tránh miễn dịch, tuy nhiên theo WHO, hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể trước đây và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu.
WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung ở các đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Theo Dương Liễu/Tuoitre.vn