Các chuyên gia cho rằng livestream không phải nghề dễ ăn như nhiều người ảo tưởng cứ cầm điện thoại lên livestream là sẽ kiếm được ngàn đơn, vạn đơn hoặc tiền tỷ sau một đêm.
01. Đằng sau con số doanh thu 100 tỷ đồng?
Mới đây, anh Lã Quốc Quyền (29 tuổi) và chị Nguyễn Lan Anh (32 tuổi, sống tại Hà Nội) mở phiên livestream (bán hàng trực tuyến) kéo dài 17 tiếng, đạt tổng doanh thu 100 tỷ đồng. Con số 100 tỷ đồng được cho là đã tạo ra kỷ lục mới cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trần Tú Quyên, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần truyền thông giải trí Vitamin Việt Nam, cho biết có nhiều nguyên nhân giúp phiên livestream đạt doanh thu khủng 100 tỷ đồng, như: chiến lược truyền thông bài bản trước phiên bán hàng, điển hình đầu tư quay video quảng cáo trên du thuyền 500 tỷ đồng ở Hạ Long; chiến lược sản phẩm tốt, kết hợp các nhãn hàng uy tín, chất lượng; các sản phẩm lựa chọn phù hợp với phần đông khán giả theo dõi và ủng hộ kênh.
Chị Tú Quyên (thứ 3, hàng trên, từ phải qua) chụp ảnh cùng vợ chồng anh Quyền sau phiên livestream 100 tỷ đồng, ngày 5/5 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ngoài ra, các nhãn hàng hầu hết cam kết giá bán là rẻ nhất trên nền tảng; kỹ năng livestream của chủ kênh đầy năng lượng, khéo léo và thuyết phục; tận dụng khách mời là những người bán hàng có doanh số bán tốt cùng chia sẻ và bán sản phẩm.
Dương Vũ, founder (người sáng lập) của DEVEE Entertainment – đơn vị quản lý và vận hành livestream cho nhiều người nổi tiếng như Hoa hậu Hương Giang, DJ Mie, ca sĩ Lynk Lee, Gil Lê… – nhận định sự thành công của vợ chồng anh Quyền là “tín hiệu đáng mừng cho những nhà bán hàng nói riêng và ngành thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung”.
Trước đây, khi chưa dấn thân vào “ngành công nghiệp tỷ đô này”, anh cho rằng những phiên livestream đạt doanh thu chục tỷ đồng là một điều khá mơ hồ và khó tin, chưa nói đến những con số hàng trăm tỷ đồng.
Theo anh, trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại phát triển “như vũ bão”, công ty của anh đã từng tổ chức và vận hành rất nhiều phiên livestream chạm ngưỡng triệu đô.
“Từ đây, tôi có cơ sở để tin rằng con số 100 tỷ đồng mà gia đình anh Quyền đạt được là hoàn toàn có thể xảy ra”, Dương nói.
Anh cho biết để có một phiên livestream thu về doanh số khủng như vậy là điều không hề dễ dàng, nhất là trong thời điểm xu hướng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) lên ngôi. Điều này đòi hỏi những người bán hàng phải chuẩn bị rất kỹ về mặt sản phẩm, quảng cáo, khách hàng và cả phương án truyền thông.
Dương Vũ – founder của DEVEE Entertainment (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dương cho hay tuy không phải là những gương mặt nổi đình nổi đám như nghệ sĩ hay những KOLs trên mạng xã hội nhưng vợ chồng anh Quyền vốn nổi tiếng trong giới bán hàng affiliate (bán hàng liên kết) và ngành kinh doanh thương mại điện tử.
“Tên tuổi của họ gắn liền với những phiên livestream đạt doanh số kỷ lục mà khó ai có thể vượt qua”, anh nói.
Theo Dương, những mức giá “rẻ như cho” trong phiên livestream 100 tỷ đồng có thể đến từ nhiều yếu tố, như dựa trên mức độ thân thiết với nhãn hàng, “nghệ thuật” đàm phán giá của mỗi nhà bán hàng.
Ngoài ra, có những sản phẩm anh Quyền và chị Lan Anh trực tiếp nhập về và bán nên mức giá chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều so với những nhà bán hàng khác.
“Tùy thuộc mục đích mà mỗi nhà bán hàng sẽ có những chiến thuật riêng cho mỗi phiên livestream. Không phải cứ “hot”, cứ nổi tiếng là sẽ đàm phán được giá thấp”, Dương nói.
Chị Tú Quyên tiết lộ về bí quyết vợ chồng Hà Nội đàm phán được các mức giá rẻ, trong đó, cặp đôi từng chứng minh năng lực thông qua hiệu quả các phiên livestream, tạo ấn tượng từ những phiên bán hàng đầu tiên cán mốc 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, họ sẵn sàng nhận mức hoa hồng thấp nhất để có được “deal” (đàm phán) tốt nhất cho khách hàng.
“Số lượng người theo dõi trên kênh hầu hết là tệp người đi làm, gia đình, mẹ và bé nên nhu cầu mua sắm cao, tỷ lệ mua sắm tốt”, chị Quyên nói.
Sau 17 tiếng livestream liên tục, chủ kênh đạt doanh thu 100 tỷ đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
02. Doanh thu 100 tỷ đồng, chủ kênh bỏ túi bao nhiêu?
Anh Quyền cho biết, sau khi tính toán tổng doanh thu từ các đơn hàng hoàn tất, các đơn hoàn hoặc hủy, gia đình anh sẽ được nhận hoa hồng. Số tiền thu về có thể là tiền tỷ nhưng còn trừ chi phí quảng cáo, tiền thuế và nhiều khoản đầu tư khác.
“Chúng tôi xác định đi đường dài, vì thế chỉ nhận % hoa hồng rất nhỏ và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Do đó, chúng tôi có thể tự tin công bố doanh thu của mỗi phiên livestream”, anh nói.
Dương Vũ nhận định với con số 100 tỷ đồng, thì thu nhập mà gia đình chủ kênh nhận được có thể lên tới 10 chữ số.
Theo anh, thu nhập của một nhà bán hàng bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử chủ yếu đến từ 2 nguồn: chi phí booking (đặt hàng) của nhãn hàng và tiền hoa hồng dựa trên những sản phẩm mà nhà bán hàng đó bán thành công.
Trong khi đó, chị Tú Quyên cho biết 100 tỷ đồng là doanh thu sau 17 giờ livestream liên tục, chưa trừ đi các đơn hoàn, hủy trong và sau phiên bán hàng, các chi phí đầu tư.
“Để xác định chủ kênh nhận về bao nhiêu, thì phải tính toán cẩn thận. Khoản tiền họ nhận về thường là chi phí booking, chi phí hoa hồng từ các nhãn hàng. Con số này dao động 12-15%”, chị giải thích.
Theo chị, một phiên livestream có nhiều chỉ số để đánh giá hiệu quả ngoài doanh thu, như lượt tiếp cận, lượt người xem, lượt xem hay số đơn hàng phát sinh. Tuy nhiên, doanh thu là con số trực quan nhất.
Đồng quan điểm, Dương cho rằng thật khó để dùng những thước đo khác để đánh giá về năng lực bán hàng của một nhà bán hàng thay cho những con số.
Phiên livestream đạt gần 36 tỷ đồng của công ty anh Dương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Những con số doanh thu mà các nhà bán hàng “flex” (khoe) đã thể hiện cho tổng doanh thu mà họ bán được trong một phiên livestream. Những con số này được thể hiện rất rõ ràng, không thể can thiệp hay chỉnh sửa.
“Tuy nhiên đây không phải con số cuối cùng, bởi sau đó nhà bán hàng còn phải trừ đi những đơn hàng bị hoàn/hủy thì mới ra được con số chính xác”, anh nói.
Theo kinh nghiệm của Dương, trung bình tỷ lệ hoàn, hủy của các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là 20-30% tùy từng ngành hàng. Với mức độ uy tín và tên tuổi của gia đình anh Quyền, anh cho rằng “con số hoàn/hủy ở mức độ vừa phải”.
Chị Quyên cho hay mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử là cách mua theo cảm xúc. Khách hàng thường vui vẻ, dễ chịu và yêu mến KOC, KOL hay thấy giá rẻ nên mua, thậm chí “xuống tiền” vì hiệu ứng đám đông, nên tỷ lệ hủy đơn cũng khá cao.
“Ở các phiên livestream lớn như gia đình anh Quyền, số lượng người tham gia lớn, hiệu ứng đám đông đẩy lên cao thì tỷ lệ hủy đơn càng cao, lên đến 30-35%”, chị nói.
03. Livestream sau một đêm là kiếm tiền tỷ?
Theo Tú Quyên, livestream là hình thức mua sắm hấp dẫn và tiềm năng, xóa bỏ nhiều rào cản khi mua hàng online (trực tuyến), tiếp cận được số lượng khách hàng khổng lồ từ nền tảng.
Các sàn thương mại điện tử đầu tư ngân sách cho các phiên livestream nhằm kích cầu mua sắm trên chính nền tảng của họ để chiếm lĩnh thị phần.
“Livestream đang trở thành xu hướng không chỉ ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, livestream dù đã phát triển mấy năm nay nhưng giờ vẫn là xu hướng, họ thậm chí bán được cả nhà, cả đất”, chị nói.
Tuy nhiên, livestream không phải một nghề dễ ăn như nhiều người ảo tưởng “cứ cầm điện thoại lên livestream là sẽ kiếm được ngàn đơn, vạn đơn như bao người ngoài kia”.
Công việc này có những góc khuất, mà dường như những người bên ngoài nhìn vào, chỉ thấy mỗi màu hồng ở những con số tiền tỷ.
Chị Quyên giải thích một trong những góc khuất đầu tiên của livestream chính là ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều chủ kênh từng gặp các vấn đề nặng về thanh quản do nói liên tục nhiều giờ, nhiều ngày đến mức không thể tham gia các phiên bán hàng sau đó.
Công việc này còn ảnh hưởng đến thời gian, giờ giấc sinh hoạt. Những phiên livestream kéo dài xuyên đêm đến rạng sáng là chuyện bình thường, ngày nghỉ của mọi người vẫn là ngày làm việc của những người livestream.
“Nếu như không kiên nhẫn, kiên trì và nghiêm túc với livestream thì không bao giờ có được thành công. Và vì nó đang rất xu hướng nên có tính cạnh tranh cũng như cực kỳ dễ bị đào thải”, chị nói.
Hàng chục người đứng sau phiên livestream 100 tỷ đồng của vợ chồng Hà Nội (Ảnh: Minh Nhân).
Công ty của Dương Vũ đã từng có những phiên livestream kéo dài tới 35 tiếng, chạm ngưỡng doanh thu gần 36 tỷ đồng và hàng trăm phiên live lớn, nhỏ khác.
Theo anh, đằng sau thành công của những phiên livestream chủ chốt là quá trình chuẩn bị của cả một ekip, từ kết nối với nhãn hàng, lựa chọn sản phẩm, quay quảng cáo, lên ý tưởng, bối cảnh, đến những kế hoạch truyền thông, quảng bá thu hút người xem.
Anh cho biết có rất nhiều khó khăn mà những nhà bán hàng phải đối diện khi chấp nhận “dấn thân” vào công việc này, như thường xuyên thức đêm làm việc với tần suất lớn, đối diện áp lực từ dư luận, từ nhãn hàng và đôi khi là cả từ nền tảng.
“Có thể nói nghề livestream ở Việt Nam đang bùng lên như một hiện tượng vì những con số choáng ngợp và sự hào nhoáng mà nó mang lại. Tuy nhiên, thực tế thì công việc này không chỉ đơn giản là ngồi trước ống kính rồi nói thao thao bất tuyệt về sản phẩm như nhiều người vẫn tưởng”, Dương nói.
Để trở thành một nhà bán hàng chân chính, theo anh, người bán hàng cần phải có kiến thức, độ hiểu biết sâu sắc về một hoặc nhiều ngành hàng nào đó và cả sự đầu tư cho những buổi livestream.
“Không phải cứ livestream, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội là sẽ kiếm được tiền tỷ”, Dương nhấn mạnh.
Giữa hàng trăm nghìn nhà sáng tạo, những cái tên đạt được doanh số tiền tỷ sau mỗi phiên livestream là rất ít. Những con số mà khán giả nhìn vào chỉ là bề nổi, còn phần chìm đằng sau là ekip với hàng trăm con người ngày đêm chuẩn bị để có được một phiên bán hàng thành công.
“Những điều này không phải bất cứ nhà sáng tạo nội dung nào cũng đủ tiềm lực cả về nhân lực và trí lực và tài chính để phục vụ cho những buổi livestream”, anh nói.
Theo Minh Nhân/Dantri.com.vn