Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ lo ngại quy hoạch về PCCC khi chỗ nào cũng có bể nước, vòi nước chữa cháy nhưng khi có cháy thì không sử dụng được.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu vấn đề này khi thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/5.
Đề cập đến công tác quy hoạch phòng cháy, chữa cháy, ông Trần Thanh Mẫn nêu thực trạng đường bên ngoài rộng nhưng vào hẻm thì chật, xe chữa cháy không vào được.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)
“Chỗ nào cũng có bể nước, vòi nước chữa cháy nhưng thực tế không sử dụng, khi có cháy thì không vận hành được. Haythang xe chữa cháy lên được 5 – 7 tầng nhưng nhà được cấp phép xây dựng lên đến 12 – 15 tầng”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, cần làm rõ xe chữa cháy có thể tiếp cận được công trình cao bao nhiêu mét, bao nhiêu tầng bởi địa phương cấp phép xây dựng nhà ở vượt số tầng so với chiều cao xe chữa cháy có thể tạo ra những bất cập.
Về phòng cháy nhà ở, theo ông Trần Thanh Mẫn, vấn đề này được người dân quan tâm nhưng dự luật quy định chưa có “điểm mới, nét mới”.
“Thực tế, các vụ cháy vừa qua, nhất là cháy nhà dân, chung cư mini đều rất thảm khốc, do đó cần có quy định cụ thể. Cùng với đó là các quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh”, ông Trần Thanh Mẫn gợi ý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận định, thời gian qua dù rất quan tâm nhưng tình hình cháy nổ, tai nạn xảy ra liên tục, ảnh hưởng tính mạng, tài sản của xã hội.
“Những vụ cháy xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM những năm qua là bài học kinh nghiệm đắt giá cho công tác phòng cháy, chữa cháy”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Trước đó, trình bày thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là những quy định có tính đặc thù, khác với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của công tác này.
“Có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải”, ông Lê Tấn Tới nói.
Với hoạt động phòng cháy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy.
Cơ quan thẩm tra cũng làm rõ sự cần thiết và bổ sung quy định cụ thể về điều kiện đối với từng hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Anh Văn/VTCNews.vn