Sau 34 năm bị bắt giam oan về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, ông Lâm Hồng Sơn (68 tuổi, Việt kiều Mỹ) đã được Viện KSND và Công an của tỉnh An Giang, Công an tỉnh Long An công khai xin lỗi.
Sáng 28.5 tại P.Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, Viện KSND tỉnh An Giang phối hợp Viện KSND tỉnh Long An và công an 2 tỉnh An Giang và Long An tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Lâm Hồng Sơn (68 tuổi, Việt kiều Mỹ, tạm trú TP.HCM) theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ông Sơn trước đó đã bị bắt giam oan 2 lần với cáo buộc các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế.
Ông Lâm Hồng Sơn (thứ 2 từ phải sang) nhận hoa xin lỗi và cải chính công khai của Viện KSND và Công an của hai tỉnh An Giang và Long An theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vào sáng 28.5
Chấp nhận lời xin lỗi sau hơn 34 năm bị bắt giam oan
Tại buổi xin lỗi, ông Hồ Tiến Dũng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh An Giang và ông Phạm Văn Hiệp, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An, gửi lời xin lỗi chân thành đến ông Lâm Hồng Sơn và gia đình.
Ông Hồ Tiến Dũng cho biết: “Mong rằng những lời xin lỗi sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau mà ông Sơn và gia đình đã gánh chịu thời gian qua. Mong ông Sơn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, sớm vượt qua khó khăn và tin tưởng vào công lý… Viện KSND tỉnh An Giang và Long An sẽ phối hợp giải quyết bồi thường cho ông Sơn theo đúng quy định pháp luật”.
Theo lãnh đạo hai Viện KSND 2 tỉnh An Giang và Long An, thông qua vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng hai tỉnh cũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và cam kết thận trọng; nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công tác điều tra, truy tố, không xảy ra vụ việc tương tự.
Ông Hồ Tiến Dũng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh An Giang (bìa phải) và ông Phạm Văn Hiệp, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An (giữa) nói lời xin lỗi và thăm hỏi, động viên ông Lâm Hồng Sơn
Cũng tại buổi xin lỗi, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang và Long An đã gửi lời xin lỗi công khai đến ông Lâm Hồng Sơn và gia đình. Cả hai đơn vị đều cho biết đã rút ra bài học sâu sắc từ vụ ông Sơn bị bắt giam oan, đồng thời mong muốn ông Sơn hãy giữ vững vào niềm tin pháp luật.
Ông Lâm Hồng Sơn cho biết: “Tôi cảm ơn Viện KSND của 2 tỉnh An Giang, Long An đã phối hợp tổ chức buổi công khai xin lỗi tôi và cải chính về vụ oan sai mà tôi là nạn nhân từ gần 35 năm trước. Tôi chấp nhận lời xin lỗi và nội dung cải chính của quý vị và quý cơ quan… Nhân đây, tôi đề nghị sớm giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tôi, trước mắt giải quyết khoản tạm ứng bồi thường theo quy định…”.
Thượng tá Nguyễn Tấn Hạnh, Phó chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An (trái) đại diện Công an tỉnh Long An xin lỗi ông Lâm Hồng Sơn
2 lần bị bắt giam oan
Theo hồ sơ, tháng 4.1988, Ban Chỉ huy cảnh sát An Giang ký hợp đồng với ông Lâm Hồng Sơn mở xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Trong đó đất đai, thủ tục pháp lý do công an tỉnh thực hiện, còn ông Sơn đầu tư 30 cây vàng xây cất nhà xưởng và mua sắm thiết bị để hoạt động và nộp khoán 1,5 triệu đồng/tháng cho công an tỉnh.
Sau khi thành lập, ông Sơn được giao nhiệm vụ làm Giám đốc xí nghiệp. Hơn một năm sau, lãnh đạo Công an An Giang tiếp tục dùng mặt bằng này liên doanh với đối tác Thái Lan, lập Công ty Ancresdo kinh doanh dịch vụ, ông Sơn tiếp tục được bổ nhiệm làm giám đốc.
Đến đầu năm 1990, khi ông Sơn đang thực hiện hợp đồng mua bán sắt giá trị 200 triệu đồng giữa Ancresdo và Công ty Kinh doanh tổng hợp H.Thủ Thừa (Long An) thì Công an tỉnh An Giang thông báo ông Sơn không phải là người của Công ty Ancresdo. Đến ngày 10.1.1990, ông Sơn bất ngờ bị Công an tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Khi Công an tỉnh Long An đang thụ lý vụ án thì Công an An Giang làm biên bản xin mượn bị can đối với ông Sơn 2 ngày để làm việc, nhưng Công an tỉnh An Giang tạm giam ông luôn 3 tháng. Sau khi ông Sơn được bàn giao lại cho Công an tỉnh Long An để tiếp tục điều tra, đến ngày 16.5.1990, Công an tỉnh Long An ra quyết định trả tự do và đình chỉ điều tra bị can với ông Sơn vì hành vi của ông Sơn không cấu thành tội phạm.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An gửi Bộ Nội vụ và Viện KSND Tối cao ngày 23.7.1990, do Công ty Ancresdo không có vốn nên lãnh đạo Công an tỉnh An Giang lúc bấy giờ đã quyết định cho ông Sơn tự huy động hơn 1,1 tỉ đồng từ bên ngoài, trong đó có Công ty Kinh doanh tổng hợp Thủ Thừa 200 triệu đồng dưới hình thức nhận tiền mặt trước, trả lại hàng hóa sau để mua sắt xuất khẩu sang Thái Lan, đổi ô tô, xe máy và hàng kim khí về Việt Nam tiêu thụ.
Ông Lâm Hồng Sơn phát biểu tại buổi xin lỗi
Từ nguồn vốn này, Công ty Ancresdo mua được 658 tấn sắt xuất sang Thái Lan và nhận về cảng Mỹ Thới (An Giang) được 2 tàu hàng trị giá hơn 270.000 USD. Trong lúc ông Sơn đang ở Thái Lan, lãnh đạo Công an tỉnh An Giang đã ký quyết định thay đổi nhân sự của Ancresdo, đưa một người khác làm Phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Toàn bộ số hàng gồm 8 ô tô, 122 xe máy Kawasaki, 101 xe Honda và nhiều thứ khác từ Thái Lan về đã bị lãnh đạo Công an An Giang định đoạt, mang bán, tặng… Khi ông Sơn về nước, không có hàng để giao cho Công ty Kinh doanh tổng hợp Thủ Thừa như cam kết. Sau đó, Công an tỉnh An Giang lại ký quyết định khẳng định ông Sơn giả mạo danh nghĩa của Công ty Ancresdo để lừa đảo. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An xác định việc thu, chi của ông Sơn khi đó hoàn toàn hợp lý và trách nhiệm bồi thường lô hàng khi đó thuộc về Công an tỉnh An Giang.
Sau khi được Công an tỉnh Long An trả tự do, tháng 11.1990 ông Sơn làm đơn kiện Công an tỉnh An Giang ra TAND tỉnh An Giang để đòi bồi thường và được tòa ra quyết định thụ lý vụ kiện. Bất ngờ, đến ngày 15.12.1990, ông Sơn đến tòa làm việc thì bị Công an tỉnh An Giang bắt tạm giam về cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau đó, Viện KSND tỉnh An Giang chuyển sang truy tố ông về tội trốn thuế. Đến ngày 13.11.1991, Viện KSND tỉnh An Giang ra quyết định trả tự do, căn cứ buộc tội ông Sơn không vững chắc; 6 ngày sau ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Liên quan vụ bị bắt giam oan, ông Sơn cho hay đã gửi đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh An Giang bồi thường hơn 3,1 tỉ đồng và Viện KSND tỉnh Long An bồi thường hơn 2,7 tỉ đồng.
Ảnh: Trần Ngọc
Theo Trần Ngọc/Thanhnien.vn