Đại diện Amazon cho biết một số nhà bán hàng Việt Nam đang kinh doanh theo kiểu “lướt sóng” trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới, chưa có kế hoạch xây dựng thương hiệu bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới 2024 do Amazon Global Selling cùng Cục TMĐT và Kinh tế số tổ chức sáng 24/5, ông Gijae Seong – Giám đốc điều hành Amazon Global Selling – cho biết TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng khi số lượng doanh nghiệp Việt đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm (2019-2023).
Trong đó, các nhóm ngành về sức khoẻ và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp liên tục nằm trong top các ngành hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon trong 5 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – nhận định thời gian gần đây, TMĐT xuyên biên giới đã giúp cho các doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ có cơ hội tham gia xuất khẩu, trong khi trước đây sân chơi này chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn.
Đại diện cơ quan quản lý cho biết kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của cả nước là hơn 350 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu TMĐT chỉ rơi vào khoảng 5-6 tỷ USD. “Điều này cho thấy thị trường TMĐT xuyên biên giới vẫn còn là mảnh đất rất lớn để các doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường”, ông nói.
Dĩ nhiên, đi đôi với những cơ hội lớn sẽ là thách thức lớn, ông Gijae Seong cho biết không chỉ các nhà bán hàng Việt mà các nước khác cũng gặp phải những thách thức không hề nhỏ.
Ông Gijae Seong – Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam. Ảnh: AGS.
Theo quan sát của Amazon, các nhà bán hàng Việt trên nền tảng này hiện chia thành 2 nhóm gồm những người đã từng bán hàng online và những nhà sản xuất truyền thống.
Ông nhìn nhận những người đã từng bán hàng online thường “bắt trend” rất nhanh, tuy nhiên, họ lại thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa có chiến lược rõ ràng.
“Phần lớn nhóm nhà bán hàng này chỉ ‘lướt sóng’ chứ chưa xây dựng kế hoạch bền vững, thiếu cách thức làm thương hiệu và chỉ tính những cái lợi trước mắt. Đồng thời, họ cũng thiếu khả năng sáng tạo sản phẩm”, ông nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất đều có ưu thế về năng lực sản xuất, nhưng lại chưa biết cách xây dựng thương hiệu online và tận dụng các công cụ, giải pháp để phát triển thương hiệu.
Theo đó, đại diện Amazon Global Selling cho rằng các nhà bán hàng nên có kế hoạch kinh doanh dài hạn khi kinh doanh TMĐT xuyên biên giới. Đồng thời, cần nghiên cứu xem khách hàng quốc tế cần gì, thay vì chỉ lấy sản phẩm Việt Nam bán ra quốc tế.
Riêng với ngành gỗ, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết từ năm 2023 đến nay, phân khúc thị trường xuất khẩu gỗ truyền thống đã và đang gặp nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, tiêu dùng suy yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong khi đó, doanh số TMĐT nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế khi phần lớn gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài.
“Để thúc đẩy sản phẩm gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, các doanh nghiệp phải nỗ lực trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành khi tham gia TMĐT xuyên biên giới nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế”, ông bổ sung.
Theo Liên Phạm/Znews.vn