Đầu năm mới, người miền Tây gặp nhau thường hỏi ‘ăn tết lớn không’. Nhiều người băn khoăn rằng ăn tết lớn kiểu miền Tây là như thế nào.
Đủ món, đủ lễ?
Người miền Tây ăn tết rất vui vì nếp sống “tối lửa tắt đèn có nhau”. Trước tết khoảng mười bữa nửa tháng, các bà nội trợ ngồi lại bàn chuyện mua gì, làm món gì đãi họ hàng, bè bạn.
Nhà sát vách, sống gần gũi nhưng khi thấy mai nở thì vẫn hỏi thăm chuyện ăn tết, chơi tết. Ai đi làm ăn xa, về quê gặp lại người quen đều tay bắt mặt mừng, hỏi thăm chuyện gia đình, con cái, công việc. Đặc biệt, dù thân mật hay xã giao, bao giờ trong cuộc giao tiếp giữa những người miền Tây với nhau cũng không thiếu câu hỏi “năm nay gia đình ăn tết lớn không”.
Dịp năm mới, người miền Tây gặp nhau thường hỏi “ăn tết lớn không” (Ảnh: Thanh Duy)
Người ta có thể đếm bao ngày xuân đi qua nhưng chưa có thước đo định lượng ăn tết lớn hay nhỏ. Vì vậy, nhiều người băn khoăn “ăn tết lớn” kiểu miền Tây là như thế nào.
Theo bà Lưu Thu Năm (48 tuổi, H.Long Mỹ, Hậu Giang), thời nay, ăn tết lớn ở miền Tây có thể hiểu là đủ món và đủ lễ. Nhất định trong mấy ngày tết không thể thiếu thịt kho hột vịt, dưa chua (dưa kiệu, dưa cải), dưa hấu, chả lụa, bánh tét, canh khổ qua… Đồng thời, việc cúng kiếng ông bà thực hiện đúng với phong tục truyền thống lâu đời.
Có được cá lớn, người miền Tây thường không đem bán mà để dành ăn tết (Ảnh: Thanh Duy)
Nhìn vào thời gian ăn tết có thể thấy người miền Tây chịu làm mà cũng chịu chơi. Với tính chất nông nhàn, mùa vụ, ngày nghỉ của người miền Tây có phần rộng rãi hơn nên còn mùng là còn tết. Sau thời gian dành cho gia đình và dòng họ, thường ra mùng (mùng 10 trở đi – PV) mới là thời gian chơi tết với bạn bè thân hữu. Xong nhà này tới lượt nhà khác, có người tới ngày 20 tháng giêng vẫn còn nhận được lời mời ăn tết.
Rủ hàng xóm ăn tết chung
Đặc biệt, người miền Tây thường không ăn tết nội bộ gia đình mà rủ hàng xóm chung vui. Chuẩn bị đón năm mới, mỗi nhà tranh thủ trồng rau, nuôi vịt, gà, cá. Không hẳn khá giả nhưng bà con sẽ ăn tết theo cách riêng của mình. Nông sản đến khi thu hoạch không đem bán mà mang tặng hàng xóm mỗi nhà một ít để ăn tết. “Xóm tôi, mỗi nhà chọn ăn tết 1 ngày, tổ chức tiệc tùng, mời bà con xung quanh đến chơi. Cho nên mỗi gia đình định ngày ăn tết rất sớm, thông báo cho mọi người để tránh bị trùng, vắng người nào đó thì mất vui”, bà Năm chia sẻ.
Người miền Tây thường không ăn tết nội bộ gia đình mà rủ hàng xóm cùng chung vui (Ảnh: Thanh Duy)
Ngày nay, thành phố có nhiều chợ và trung tâm thương mại nên việc mua sắm tết nhanh gọn. Ai đã quen với sự tiện lợi này thì về miền Tây sẽ thấy bà con “chơi lớn” hơn rất nhiều. Sau khi đưa ông Công ông Táo về trời (23 tháng chạp), bà con chộn rộn làm dưa kiệu, dưa cải, làm cá phơi khô. Chòm xóm cùng nhau dở chà, tát đìa, bắt cá rọng trong lu, khạp để dành đãi khách.
Quà tết công nghiệp không thiếu thứ gì, nhưng đa số người miền Tây thích tự làm các món bánh, mứt, gói bánh tét… Nhà nào nuôi heo thì tranh thủ vỗ béo tới 30 tết làm thịt. Do đó, bàn tiệc đãi tết thường gây ấn tượng bởi sự hào sảng, hấp dẫn, đầy ắp thức ăn cây nhà lá vườn.
Dù ăn tết thế nào, điều quan trọng bậc nhất đối với người miền Tây vẫn là các thành viên gia đình về nhà đầy đủ. Có lẽ vì vậy mà ít người nhã hứng đi du lịch, chỉ muốn dành nhiều thời gian cho vợ chồng, con cái những ngày tết.
Theo Thanh Duy/Thanhnien.vn