Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm và tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 và chỉ đạo khẩn trương điều trị cho bệnh nhân và điều tra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc).
Thêm các biến chủng phụ gây dịch Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm nhắc lại
Báo Thanh niên đưa tin, theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận.
Tháng 11.2023, WHO tại Việt Nam đã khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19. Dựa trên khuyến cáo của WHO và Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm và tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 cho 5 đối tượng sau: cán bộ y tế; người trên 50 tuổi; người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, có 5 trường hợp cần tiêm và tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.
Về liều tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn: Nếu chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 1 liều. Nếu đã tiêm thì tiêm thêm 1 liều cách liều trước đó từ ít nhất 6 tháng, vắc xin do Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
Đối với phụ nữ có thai, tiêm 1 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát tỷ lệ tiêm chủng và các đối tượng cần tiêm, gửi đề xuất nhu cầu vắc xin Covid-19 về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để đảm bảo cung ứng kịp thời và triển khai tiêm chủng theo kế hoạch địa phương.
Trước đó, từ tháng 10.2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT, điều chỉnh phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Hiện Covid-19 được kiểm soát và quản lý bền vững, trong đó tiêm vắc xin là một trong những giải pháp quan trọng giai đoạn 2023 – 2025.
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn sau vụ hơn 300 công nhân nghi ngộ độc ở Vĩnh Phúc
Mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Vĩnh Phúc khẩn trương điều trị cho bệnh nhân và điều tra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sự cố này đã khiến hơn 300 công nhân phải nhập viện điều trị.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực điều trị, đảm bảo không để diễn biến nặng thêm. Trong tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để các bệnh nhân có diễn biến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên.
Công nhân có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm đang được điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Vĩnh Yên
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuyên truyền, giáo dục người dân về an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm.
Vào ngày 14/5, công ty tổ chức ăn trưa cho hơn 3.298 công nhân. Sau bữa ăn gồm gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh và dưa muối, 5 công nhân có biểu hiện ngộ độc và được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt cấp cứu. Đến 17h cùng ngày, 351 công nhân khác cũng có triệu chứng tương tự và được chuyển đến các bệnh viện và trung tâm y tế khác để điều trị.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 về việc ngăn ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm, đồng thời báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.
Bình Thuận: Sở Y tế không thể lấy được mẫu thức ăn vụ việc 51 du khách nghi ngộ độc thực phẩm
Thông tin trên báo Lao động thủ đô, ngày 12/5, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng Hồng Vinh, phường Hàm Tiến, Phan Thiết, do Công ty Du lịch Viettravel tổ chức. Vụ việc liên quan đến 750 du khách, trong đó 51 người có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy, phải nhập viện điều trị.
Du khách đã dùng bữa tối tại nhà hàng Hồng Vinh lúc 18h30 với thực đơn gồm hàu, ghẹ hấp, ốc hương rang tiêu, cá mặt quỷ nấu cà ri, mực ống nhúng giấm, lẩu hải sản và tráng miệng nho Mỹ. Sau đó, một nhóm tiếp tục ăn tôm nướng và thực phẩm khác tại bãi biển.
Một số món ăn hải sản mà nhóm du khách mua để nhậu trên biển.
Sáng 13/5, những trường hợp đầu tiên xuất hiện triệu chứng ngộ độc và nhập viện từ 7h30 tại Trạm Y tế Hàm Tiến, Phòng khám Mũi Né và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tính đến 13h30 cùng ngày, tổng số ca nhập viện là 51 người. Đến 16h30, 35 bệnh nhân đã xuất viện, và đến ngày 14/5, 16 ca còn lại cũng được xuất viện, không có trường hợp tử vong.
Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra nhà hàng Hồng Vinh, xác nhận cơ sở có đầy đủ giấy tờ về đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm, và giấy khám sức khỏe cho nhân viên. Tuy nhiên, mẫu thực phẩm không thể thu thập do nhà hàng đã tự kiểm nghiệm theo yêu cầu của Viettravel.
Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
Nguyen Linh (Tổng hợp)