Ngoài điều chuyển nguồn vốn chính sách kém hiệu quả, đại biểu Quốc hội đề nghị đề xuất tiếp tục giảm thuế phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu.
Sáng nay (25/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Đề xuất điều chuyển nguồn vốn hiệu quả
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43 một cách khoa học, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả đã tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nói chung và Nghị quyết số 43 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế như một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi…
Do đó, ông Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm đạt hiệu quả các chính sách hỗ trợ.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) (Ảnh: Quochoi.vn).
Cùng với đó, ông Bình kiến nghị, Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Đại biểu này cũng kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp. Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, ông Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43 hoặc nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025 nhằm tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Cũng phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, mặc dù triển khai quyết liệt, nhưng một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 7 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) (Ảnh: Quochoi.vn).
Ông Tuấn đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43 như Dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), thống nhất cao với các đề xuất của Đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43.
Đối với Chính phủ, bà Mai đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP.
Xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đại biểu đưa ra một số kiến nghị:
Thứ nhất, chính sách tài khóa cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu. Trên thực tế việc giảm thuế và phí 2 năm qua nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) (Ảnh: Quochoi.vn).
Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư luôn là hết sức cần thiết.
Đặc biệt cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng “no dồn đói góp” trong chi đầu tư, trong đó cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng.
“Có thể xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cho nhà ở xã hội sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp và hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội”, bà Tú Anh nêu.
Cuối cùng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bà Tú Anh cho rằng, cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024-2025.
“Chính sách tài khóa cần phải được sử dụng chung với các chính sách kinh tế khác và với quá trình cải cách thể chế nói chung, kích thích đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể phát huy hiệu quả”, bà Tú Anh nêu.
Theo Trần Kháng/Dantri.com.vn