Sở VH-TT-DL Kon Tum đang hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh Kon Tum trình Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định xếp hạng di tích Chiến thắng Đăk Pek là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngày 16.11, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum đã tổ chức hội thảo khoa học thông qua hồ sơ di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pek đề nghị xếp hạng cấp quốc gia.
Hội thảo có sự tham gia của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu tại Đăk Pek.
Quang cảnh buổi hội thảo
Theo Sở VH-TT-DL Kon Tum, năm 1916, thực dân Pháp lập đồn bốt tại Đăk Pek (H.Đăk Glei, Kon Tum) do lính khố xanh đóng giữ dưới sự chỉ huy của quan Pháp. Căn cứ Đăk Pek nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, được xây dựng trên một cụm đồi thấp, có diện tích khoảng 1,5 km2, nằm sát bên QL14 và sông Pô Kô. Căn cứ này nhằm cắt đứt đường 14 nối với Khu 5 và án ngữ hệ thống đường Hồ Chí Minh.
Từ năm 1954, chính quyền Sài Gòn xem H.Đăk Glei (Kon Tum) là vùng xung yếu mất an ninh và dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn. Trong đó có việc cho phép quân đội được toàn quyền hành động, đàn áp, tiêu diệt phong trào cách mạng của ta.
Năm 1962, địch tiếp tục xây dựng căn cứ Đăk Pek thành tiền đồn biên phòng gần biên giới Việt – Lào, cách TP.Kon Tum khoảng 110 km. Lực lượng đặc biệt đóng tại căn cứ Đăk Pek với mục đích ngăn chặn, phá hoại đường vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam của quân và dân ta.
Trong nhiều năm sau đó, với vai trò vị trí hết sức quan trọng, cụm cứ điểm Đăk Pek đã trở thành nơi giao tranh quyết liệt giữa ta và địch.
Theo đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), cụm cứ điểm Đăk Pek nằm trên đường giao thông huyết mạch, là “động mạch chủ” của đường Trường Sơn. Cụm cứ điểm Đăk Pek có vai trò chiến lược trong chiến cuộc đông xuân 1974 – 1975.
Nếu không giải phóng quận lỵ Đăk Pek, khai thông “động mạch chủ” đường vận chuyển Trường Sơn thì không tổ chức được chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Vì tầm chiến lược sinh tử đó, năm 1974, Quân ủy Trung ương giao cho mặt trận B3 Tây nguyên tiến công, kết liễu cụm cứ điểm Đăk Pek chốt giữ trên đường 14.
Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, kể lại trận đánh cụm cứ điểm Đăk Pek
Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây nguyên quyết định thành lập Đoàn 260 gồm Trung đoàn 66, Trung đoàn 3, Trung đoàn pháo binh 40, Trung đoàn phòng không 234, Trung đoàn xe tăng 273… vào chiến đấu.
“6 giờ sáng ngày 16.5, các trận địa pháo tiếp tục đồng loạt “dội bão lửa” vào cụm cứ điểm Đăk Pek. Được sự yểm trợ của hỏa lực, 2 trung đoàn bộ binh đã tiến hành mở cửa đồng loạt xung phong vào trận địa địch trên các hướng. Không còn đường lùi, địch tập trung toàn lực chống cự quyết liệt. Tuy nhiên, quân địch đã hoàn toàn khuất phục trước sức mạnh của bộ binh Trung đoàn 3 và Trung đoàn 66″, đại tá Hồ Hữu Lạn nhớ lại.
Đến 12 giờ ngày 16.5, các đơn vị tham gia trận đánh đã làm chủ được hoàn toàn cứ điểm Đăk Pek, quân địch trong cụm cứ điểm Đăk Pek đồng loạt xin hàng.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, chiến thắng Đăk Pek đã đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của địch trên địa bàn chiến lược bắc Tây nguyên, tạo tiền đề để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xây dựng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Với nhiều giá trị và ý nghĩa lịch sử, ngày 20.6.2006, di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Đăk Pek được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Thông qua hội thảo, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum đã lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các nhân chứng lịch sử nhằm hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh Kon Tum trình Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định xếp hạng Chiến thắng Đăk Pek là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ảnh: Đức Nhật
Theo Đức Nhật/Thanhnien.vn