Ngoài tập sách mỏng bằng tiếng Pháp Souverains et Notabilités d’Indochine (“Tiểu sử vua chúa và thân hào các nước Đông Dương”) do Phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ấn hành năm 1943, trong đó chỉ có một trang ghi rất vắn tắt tiểu sử Hoàng hậu Nam Phương với ngày sinh 4.12.1914, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn và xuất bản năm 1995 cũng ghi ngày tháng như trên. Trong khi đó, bia mộ của Hoàng hậu lại khắc ngày sinh là 14.11.1913. Vậy đâu là sự thật?
Hoàng hậu Nam Phương năm 1934. Ảnh: Tư liệu
Những bằng chứng giấy trắng mực đen
Một chiều cuối tháng 3.2023, chúng tôi bấm chuông một căn nhà trên đường Chardon-Lagache, quận 16 Paris, để gặp một nhân chứng đặc biệt.
Chúng tôi được hân hạnh quen anh Marcel Schneyder từ nhiều năm trước. Anh Marcel mang hai dòng máu Pháp – Việt. Cha anh là René Schneyder, từng là Chánh Văn phòng của Thống đốc Nam Kỳ – thường được xem là nhân vật số hai trong chính quyền thuộc địa tại Nam Kỳ [1]. Mẹ anh là bà Châu Thị Bình, có họ hàng với gia đình thánh Mathieu Lê Văn Gẫm.
Nhờ mối liên hệ họ hàng đó mà anh đã quen biết từ lúc ở Sài Gòn các chị em trong gia đình Didelot, con người chị của Hoàng hậu. Bà Agnès Nguyễn Hữu Hào kết hôn với Bá tước Didelot năm 1928 và hai người có 5 người con: 4 gái, 1 trai, sinh từ 1929 đến 1941. Sang Pháp, anh vẫn còn giữ liên lạc với hai chị em Monique và Sabine Didelot cũng như với các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung.
Anh Marcel đã cung cấp cho chúng tôi số tư liệu gồm bản sơ đồ gia phả của Hoàng hậu Nam Phương cùng giấy khai tử của bà. Và trong nhiều tháng liền, chúng tôi đã tìm được thêm những bằng chứng chính thức chứng minh Hoàng hậu sinh ngày 14.11.1913:
1. Bảng chụp sổ khai sanh của Tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn năm 1913 trích trong hồ sơ của Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại ở Aix-en-Provence, Pháp. Sổ khai sanh ở số thứ tự 130 ghi:
Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14 tháng 11 năm 1913 lúc 5 giờ 15 phút chiều, tại số 1 đường Rousseau, giới tính nữ, con của Pierre Nguyễn Hữu Hào, 43 tuổi, nghiệp chủ, công dân Pháp nhập tịch, và vợ là Marie Lê Thị Bình, 34 tuổi, không nghề, cư ngụ tại Sài Gòn, 37 đường Taberd.
Hôm nay, ngày 17.11.1913 lúc 8 giờ sáng, người cha nói trên đã đem đứa trẻ đến trình diện và khai sinh trước mặt chúng tôi, người lập bản khai sinh này, trước sự hiện diện của Edouard Dussol, kế toán viên hãng Ogliastro, và Gabriel Gueldre, nhân viên Hải quan Đông Dương, cả hai cư ngụ tại Sài Gòn. Hai nhân chứng, sau khi đọc lại, cùng ký bản khai sanh này cùng với chúng tôi, Augustin Foray, Phó Đốc lý thứ nhứt, viên chức hộ tịch, thay mặt Đốc lý.
Dưới tờ khai có 4 chữ ký: P. Nguyễn Hữu Hào, A. Foray, E. Dussol, G. Gueldre.
Sổ khai sanh tại Tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn
2. Bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913. Tòa Tổng giám mục Sài Gòn chứng nhận Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan sinh ngày 14.11.1913 tại Sài Gòn, được Linh mục Eugène Soullard rửa tội ngày 18.11.1913 tại Thánh đường Sài Gòn. Cha đỡ đầu là Jean-Baptiste Lê Phát Thanh, mẹ đỡ đầu là Agnès Huỳnh Thị Tài. Giấy chứng nhận do Linh mục Pierre Do Duy Khanh ký, cấp ngày 4.8.2023.
Bản sao giấy rửa tội do nhà thờ Đức Bà cấp
3. Bản sao giấy khai tử chứng nhận Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14.11.1913, mất ngày 15.9.1963 tại Chabrignac lúc 16 giờ 30 phút. Người khai là Thái tử Bảo Long, 27 tuổi, sĩ quan. Giấy khai tử lập ngày 16.9.1963 lúc 8 giờ 15 phút, do Thị trưởng Henri Bosselut, viên chức hộ tịch, ký cùng với người khai, Thái tử Bảo Long. Bản sao giấy khai tử do Tòa thị xã Chabrignac cấp ngày 20.2.2023.
Bản sao giấy khai tử
Giấy khai sanh và khai tử ghi tên họ là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, đúng theo tên chính thức lúc khai sanh. Giấy rửa tội thì ghi tên thánh Jeanne Mariette kèm theo tên Việt Nam là Nguyễn Thị Lan. Cả ba tài liệu đều ghi ngày sinh là ngày 14.11.1913.
Ngoài ra, sau khi tấn phong Hoàng hậu, hằng năm triều đình đều tổ chức mừng sinh nhật của Hoàng hậu, gọi là lễ Trường Hy vào ngày 17 tháng mười âm lịch (triều đình tổ chức lễ sinh nhật Hoàng hậu căn cứ trên âm lịch, không phải theo dương lịch). Trên mạng có nhiều trang cho phép chuyển đổi tức khắc một ngày dương lịch sang âm lịch và ngược lại. Kết quả là ngày 14.11.1913 theo âm lịch là ngày 17 tháng mười năm Quí Sửu.
Năm 1935 lễ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 17 tháng 10 năm Ất Hợi, nhằm ngày 12.11.1935. Theo tờ Hà Thành Ngọ Báo: Nhân dịp ngày sinh nhật của Nam Phương Hoàng hậu, Chánh phủ Nam triều có thiết lễ Trường Hy vào ngày 17 tháng 10 ta (12.11.1935). Năm 1936, lễ Trường Hy được tổ chức ngày 17 tháng 10 (năm Bính Tý), tức là ngày 30 tháng 11, 1936. Năm 1938, Hoàng hậu sanh Công chúa Phương Liên ngày 3.11 tại Đà Lạt.
Lễ Trường Hy 17 tháng 10 (năm Mậu Dần) nhằm ngày 8.12.1938. Năm 1939 Hoàng hậu Nam Phương và các con vừa ở Pháp về đến Huế đầu tháng 11. Tình hình căng thẳng vì Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa bùng nổ. Lễ Trường Hy nhằm ngày 27.11 (17 tháng 10 năm Kỷ Mão) vẫn được cử hành nhưng đơn giản đến mức tối thiểu.
Mỗi năm triều đình tổ chức lễ Vạn Thọ để mừng sinh nhật của Hoàng thượng vào ngày 23 tháng 9 âm lịch (ngày sinh của Vua Bảo Đại 22.10.1913 tức là ngày 23 tháng 9 năm Quí Sửu). Nghi thức cử hành lễ Vạn Thọ cũng có chiêm bái tại đình Phụng Tiên, thủ tục vấn an các Thái hoàng thái hậu và Thái hậu, buổi thiết đại triều tại điện Thái Hòa, đình thần đọc biểu tạ, Khâm sứ chúc mừng… Lễ Trường Hy cũng không kém phần long trọng, các cuộc vui còn có phần náo nhiệt hơn lễ sinh nhật Hoàng đế.
Tất cả những sự việc đó nói lên một điều là triều đình rất coi trọng việc kỷ niệm ngày sinh của Hoàng hậu, đánh dấu bằng một lễ lớn hàng năm.
Từ trái: hai tác giả khảo cứu (tiến sĩ Vĩnh Đào và Thanh Thuý) bên mộ Hoàng hậu Nam Phương tháng 4.2023
Quê quán Hoàng hậu không phải ở Gò Công – Tiền Giang
Trong tình trạng thiếu thông tin chính xác từ những tư liệu lịch sử, nhiều chi tiết về tiểu sử Hoàng hậu Nam Phương được lặp đi lặp lại trong hầu hết các bài viết về Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam: bà là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, một trong bốn người giàu nhất của xứ Nam Kỳ; ông Lê Phát Đạt thuộc một gia đình công giáo lâu đời, người đã xây cất nhà thờ Huyện Sỹ, là cháu chắt của vị thánh tử vì đạo Mathieu Lê Văn Gẫm; thân phụ của bà là ông Nguyễn Hữu Hào, sinh trưởng tại Gò Công – Tiền Giang trong một gia đình đại điền chủ có ruộng đất trải dài hầu hết các tỉnh miền Nam…
Phần lớn những chi tiết trên đều không đúng với sự thật, nhưng khi một điều sai được nhắc lại liên tục trong một thời gian dài thì có nhiều khả năng nó trở thành sự thật vì không có ai hoài nghi tính xác thực của việc đó nữa.
Trong mục đích đi tìm nguồn gốc gia đình Hoàng hậu Nam Phương, chúng tôi đã về xứ đạo Thánh Gẫm, quê hương của thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm. Tại đó, chúng tôi khám phá được rằng ông Lê Phát Đạt không có liên hệ họ hàng gì với thánh Mathieu Lê Văn Gẫm, nhưng ông Nguyễn Hữu Hào lại là cháu nội bà Tám, em ruột bà Nguyễn Thị Nhiệm, là mẹ của Thánh Gẫm.
Vậy, Hoàng hậu Nam Phương có liên hệ họ hàng với thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm nhưng không phải từ gia đình Lê Phát Đạt như nhiều người có thể lầm tưởng, mà do bên gia đình cha, ông Pierre Nguyễn Hữu Hào.
Nguồn gốc gia tộc thánh Mathew Lê Văn Gẫm (do gia đình ông Lê Văn Bằng ghi)
Các sách viết về Hoàng hậu Nam Phương cho đến nay đều ghi rằng ông Nguyễn Hữu Hào, thân sinh của bà Nam Phương, “quê ở Gò Công, sinh trưởng trong một gia đình đại điền chủ, có đạo công giáo. Sinh thời, ruộng đất của gia đình ông Hào rải rác khắp các tỉnh Nam Kỳ. Tại quận Long Mỹ thuộc tỉnh Rạch Giá có một nghìn mẫu ruộng thuộc gia đình Nguyễn Hữu Hào”. Các thông tin này được lập lại trong nhiều tài liệu viết về Hoàng hậu Nam Phương nên hình như đã được chấp nhận như những sự thật hiển nhiên, không ai chối cãi.
Tuy nhiên, nếu đối với gia đình Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, ai cũng có thể biết nguồn gốc của gia đình và tài sản được tạo dựng từ đâu. Trong trường hợp Nguyễn Hữu Hào, tuy khẳng định rằng ông sinh ra trong một gia đình đại điền chủ giàu có nhưng không ai biết cha mẹ ông là ai và tài sản gia đình đã có từ lúc nào?
Hoàng hậu Nam Phương lúc nhỏ và chị gái Agnès bên cạnh cha mẹ – ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Ảnh: Tư liệu
Tiếp theo một bài về Hoàng hậu Nam Phương đăng trên trang nhà Hội cựu học sinh trường Jean-Jacques Rousseau năm 2006 [2], một người trong gia đình Lê Phát Đạt (Pascal Lê Phát Tân, cháu nội ông Nicolas Lê Phát Tân, gọi Hoàng hậu Nam Phương bằng cô), đang sống tại Pháp gởi lời đính chính như sau: “Cha của cô tôi, ông Nguyễn Hữu Hào không phải là điền chủ. Xuất thân từ một gia đình công giáo rất nghèo ở Gò Công, ông đã được Đức ông Mossard, Tổng Giám mục địa phận Sài Gòn, giới thiệu với ông cố tôi (ông Lê Phát Đạt). Cảm động vì tính sùng đạo của ông Nguyễn Hữu Hào, ông cố tôi tuyển dụng ông làm thư ký rồi kế toán viên, và sau giao việc quản lý toàn bộ tài sản của gia đình” [3].
Và tháng 7 năm 2022, chúng tôi đã về Gò Công – Tiền Giang, gặp và trao đổi cùng nhà nghiên cứu Phan Thanh Sắc. Ông là tác giả của 3 tập sách tập hợp tất cả các công trình nghiên cứu của ông về Gò Công, xác nhận rằng: “Từ năm 1973, sau khi tìm tòi hỏi han khắp miền ở Gò Công, không ai có ký ức về ông đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào nên tôi không tin rằng ông Nguyễn Hữu Hào sanh trưởng từ một gia đình giàu có ở Gò Công” [4].
Sự thật thì ông Nguyễn Hữu Hào sinh ra trong một gia đình nghèo theo đạo công giáo, nguồn gốc ở xứ đạo Gò Công. Nhưng không phải Gò Công trên đồng bằng sông Cửu Long, mà Gò Công, một địa danh thuộc tỉnh Biên Hòa, gần một con rạch mang tên Gò Công và một con rạch khác tên Trao Trảo. Họ đạo Gò Công nằm ngay trên mảnh đất quê hương của Thánh Gẫm, nay đã đổi tên thành giáo xứ Thánh Gẫm.
Bản đồ có địa danh Gò Công thuộc vùng phụ cận Sài Gòn năm 1925. Nguồn: gallica.bnf.fr
Với sự mở mang của đô thị thì khu đất Gò Công cũ, nơi có giáo xứ Thánh Gẫm ngày nay thuộc phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM. Vẫn còn rất nhiều gia đình công giáo sống tại đây, trong đó có nhiều gia đình thuộc dòng dõi thánh Mathieu Lê Văn Gẫm.
Vì sự lẫn lộn giữa vùng đất Gò Công cũ thuộc hạt hành chánh Biên Hòa và thị trấn Gò Công thuộc tỉnh Định Tường mà đã nảy sinh huyền thoại Hoàng hậu Nam Phương cùng quê hương Gò Công với Hoàng hậu Từ Dụ, một vùng đất đã sản sinh hai hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam, một huyền thoại đã sống dai dẳng hơn nửa thế kỷ, bắt nguồn từ một lầm lẫn vì sự trùng hợp giữa hai địa danh!
Địa danh Gò Công trên bản đồ quân sự trận đánh thành Biên Hòa tháng 12.1861. Nguồn: bienhoadauxua
Song song với việc tìm hiểu năm sinh thật, chúng tôi dựa trên một tài liệu vắn tắt từ bà Monique Didelot, trưởng nữ bà Bá tước Agnès Didelot, qua anh Marcel Schneyder: ông Pierre Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 1.7.1870 tại Tân Hòa, cha là Nguyễn Văn Cường, mẹ là Lê Thị Thương. Ông Hào là con út một gia đình 7 người con, nên được gọi là “ông Tám” theo cách gọi của các gia đình trong Nam. Chị Bảy là Maria Nguyễn Thị Gương, Mẹ Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Anh Sáu là Nguyễn Linh Dược, linh mục [5].
“Linh mục Phêrô Nguyễn Linh Dược sinh năm 1848 trong một gia đình đạo đức ở Thủ Đức. Cha mẹ là những tín hữu hiền hậu, chất phác. Ngài được Đức cha Colombert truyền chức linh mục năm 1876.
Từ 1876 đến 1882 làm giáo sư Tiểu chủng viện rồi làm thư ký Tòa Giám mục và cha sở Phú Hiệp. Từ năm 1885, lúc 37 tuổi, Cha Dược về làm cha sở Xóm Chiếu, kiêm luôn hai họ Khánh Hội và Tắc Rỗi. […] Điều đặc biệt là từ thuở nhỏ, lúc vừa cắp sách đến trường (khoảng 1859 – 1860), Ngài đã sống tại đây và len lỏi khắp mọi ngõ ngách của vùng đất Xóm Chiếu” [6].
Ảnh chụp lại từ sách quê quán (gia đình) ông Dược ở Thủ Đức
Em kế của Linh mục Phêrô Dược và chị của Pierre Nguyễn Hữu Hào là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Maria Nguyễn Thị Gương ở tu viện Chợ Quán, Sài Gòn.
Tiểu sử nữ tu Maria Nguyễn Thị Gương được tìm thấy trong tập sách Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán in năm 1970 như sau: “Bà Bề trên Maria Gương sinh năm 1864 tại Xóm Chiếu thuộc gia đình thế gia, đạo đức. […] Bà vào Dòng năm 1880 và khấn hứa năm 1886. Làm Bề trên tu viện Chợ Quán từ năm 1934 đến năm 1940. Sau bao năm tận tụy làm tôi Chúa và giúp chị em trong Dòng, bà qua đời tại tu viện ngày 28.9.1944. Buổi lễ an táng nhằm ngày 30.9.1944, có bà Nguyễn Hữu Hào, em dâu của bà, mẹ của Hoàng hậu Nam Phương, và bà Didelot là ái nữ của bà Nguyễn Hữu Hào, đến dự lễ và đưa linh cữu bà đến nơi phần mộ tại nghĩa trang của tu viện”.
Trang sách ghi thông tin bà Nguyễn Thị Gương sinh ở Xóm Chiếu
Và theo một tài liệu khác là quyển hồi ký Dạo chơi ở Đông Dương của nhà văn – nhà báo Henriette Célarié xuất bản tại Paris năm 1937, chương 10 Một cuộc yết kiến Hoàng hậu có đoạn: “Ngày xưa, ở làng Gò Công, vùng ngoại ô Sài Gòn và cách biển chừng 10 cây số [7], có một người con gái tên Mariette Nguyễn Hữu Hào. Trong dòng họ cô không có ai là vua chúa, quí tộc, hay quan lại. Gia đình chỉ là một gia đình trưởng giả, được nhập tịch Pháp, có đất đai, giàu có bậc nhất ở Nam Kỳ. Và theo đạo công giáo từ nhiều đời”.
Như vậy, gia đình ông Nguyễn Hữu Hào là một gia đình công giáo lâu đời và rất ngoan đạo; trong số các anh chị em có ít nhất hai người là tu sĩ, riêng ông Nguyễn Hữu Hào đã học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn. Người con thứ 5, Linh mục Phêrô Nguyễn Linh Dược sinh năm 1848 tại Thủ Đức, rất có thể trong khu vực Gò Công – Trao Trảo quê hương của Thánh Mathieu Gẫm. Nhưng vào khoảng năm 1859 – 1860, gia đình đã dọn về khu Khánh Hội – Xóm Chiếu, sát với thành phố Sài Gòn, bên kia rạch Bến Nghé. Linh mục Phêrô Dược đã đi học và trải qua thời niên thiếu tại đó. Cũng tại khu Xóm Chiếu này mà người chị thứ 6 – nữ tu Maria Lê Thị Gương sau này – ra đời năm 1864.
Bút tích trong tờ khai hôn thú của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình ghi: Pierre Nguyễn Hữu Hào sinh tại làng Tân Hoà, Tổng Dương Minh, tỉnh Chợ Lớn (Nam Kỳ)
Như vậy, không có lý do nào để nói ông Nguyễn Hữu Hào sinh tại/quê quán Gò Công – Tiền Giang được, điều mà gần một thế kỷ nay không có ai đính chính.
Theo Vĩnh Đào – Thanh Thúy/Nguoidothi.net.vn
(*) Tác giả Vĩnh Đào đã nhận bằng cấp tiến sĩ văn chương từ Đại học Paris IV – Sorbonne với một luận án về nhà văn André Malraux. Ông từng làm việc trong chính phủ Pháp trước khi về hưu vào năm 2008.
Tác giả Thanh Thúy tốt nghiệp ngành xã hội học, hiện là Hội trưởng – Sáng lập Hội quán Các bà mẹ – nơi đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về Hoàng hậu Nam Phương.
Chú thích:
[1] René Schneyder (1894 – 1973) gia nhập ngạch công chức chính quyền Pháp tại Đông Dương năm 1924, bắt đầu làm Phó Công sứ tại Sơn La rồi Phủ Lạng Thương (nay là tỉnh Bắc Giang). Sau khi người vợ đầu tiên của ông từ trần, ông kết hôn với một phụ nữ Nam Kỳ, và thuyên chuyển sang phục vụ tại Cao Miên, làm Phó Công sứ tại Battambang. Ông trở về Nam Kỳ năm 1935, giữ các chức vụ Tỉnh trưởng Bạc Liêu, Chánh Văn phòng của Thống đốc Nam Kỳ Pierre Pagès, rồi Tỉnh trưởng Gia Định. Chức vụ cuối cùng của ông là Ủy viên Kế hoạch trong Phủ Cao ủy Pháp tại Đông Dương trước khi về hưu năm 1951.
[2] Georges Nguyên Cao Duc, “L’impératrice Nam Phương”, Good Morning n° 65, 10-09-2006.
[3] http://chimviet.free.fr/25/lephattan.htm (truy cập ngày 24.1.2023).
[4] Phan Thanh Sắc, Gò Công… lặng thầm hương sắc, NXB Hồng Đức, 2020, tr. 665.
[5] Marcel Schneyder, điện thơ ngày 4.7.2023.
[6] Giáo xứ Xóm Chiếu, Giáo phận TP.HCM, Kỷ yếu kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo xứ, Tập Một, 2006, tr. 51.
[7] Chi tiết này của tác giả Henriette Célarié xác nhận quê quán của gia đình Hoàng hậu Nam Phương không phải ở vùng thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, mà làng Gò Công, “vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn”, quận 9 ngày nay, cách biển Cần Giờ khoảng 10 cây số.