Các đơn vị chuyên xây dựng hạ tầng đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, tổng nợ phải trả của nhóm này thường gấp đôi, gấp ba vốn chủ sở hữu.
Báo cáo tài chính quý III của Vinaconex (VCG) cho biết công ty có hơn 20.000 tỷ đồng nợ phải trả tính đến cuối tháng 9, trong đó 58% là nợ vay tài chính. Mức này đã có sự cải thiện đáng kể khi trước đây vay nợ của “ông lớn” xây dựng dự án đầu tư công này gần như tăng liên tục, với tốc độ khoảng 280% trong giai đoạn 2018-2022. Dù giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, tổng nợ phải trả của VCG vẫn cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. Đòn bẩy tài chính cao khiến doanh nghiệp này trung bình tốn khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi ngày cho chi phí tài chính 9 tháng đầu năm.
Công nhân đang xây dựng một dự án đầu tư công tại tỉnh Long An, tháng 8/2023. Ảnh: Hoàng Nam
Cùng xuất phát điểm là doanh nghiệp Nhà nước, câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1). Thời gian trước, doanh nghiệp này có tổng nợ phải trả lớn nếu so với vốn chủ sở hữu, thường cao gấp 4-5 lần. Trong đó, đòn bẩy tài chính chiếm đến một nửa số nợ. Đến cuối quý III, CC1 giảm tổng nợ phải trả về còn hơn 10.700 tỷ đồng, cao gấp 2,85 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên vay nợ tài chính gần như không thay đổi so với đầu năm, vẫn ghi nhận gần 6.800 tỷ đồng.
Với CII, tổng nợ của công ty giảm hơn 2.200 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, về còn khoảng 18.000 tỷ. Riêng nhóm vay nợ tài chính giảm gần 1.700 tỷ còn khoảng 12.900 tỷ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn Đèo Cả (HHV) có tổng nợ hơn 27.800 tỷ đồng, 73% là đòn bẩy tài chính.
Riêng “trùm BOT” Tasco (HUT) nhờ tăng vốn mạnh 9 tháng qua, công ty kéo giảm tỷ lệ nợ trên vốn về 1,24 lần – mức thấp so với mặt bằng chung toàn ngành. Tuy nhiên, công ty đang có 13.400 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 79% so với đầu năm. Riêng nợ vay tài chính đội thêm 72% lên mức hơn 8.300 tỷ đồng.
Sử dụng đòn bẩy tài chính cao là mẫu số chung của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng những năm qua. Trong cuộc gặp nhà đầu tư tháng 11, lãnh đạo Đèo Cả cho rằng đó là đặc thù trong lĩnh vực này và họ chấp nhận có tỷ lệ nợ cao.
Nó cũng là hệ quả của thời kỳ tăng trưởng nóng các dự án công cộng giai đoạn 2011-2015, nhất là BOT giao thông. Những năm trước, để đua nhau làm BOT, các doanh nghiệp tìm cách huy động tiền thực hiện hàng loạt dự án đòi hỏi vốn hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 6/2021 cho thấy, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BOT giao thông là 105.000 tỷ đồng. Sau khi các nhà băng phanh lại vì nợ xấu chồng chất, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng tìm đến kênh trái phiếu, có một số công ty trung bình cứ 3-6 tháng lại phát hành một lô.
Trong bối cảnh tranh nhau nhận thầu dự án công, các doanh nghiệp đã không tính toán kỹ bài toán chi phí và doanh thu, dẫn đến vỡ kế hoạch trả nợ. Bên cạnh đó, tình trạng chậm giải ngân phần vốn của Nhà nước do nhiều nguyên nhân như không bố trí được, chưa thống nhất về kiểm toán, thủ tục chưa đúng quy trình… cũng khiến các doanh nghiệp phải tự đi vay để ứng trước rồi mang nợ kéo dài. Riêng nhóm BOT giao thông, phản ứng tiêu cực từ người dân về công tác thu phí khiến lộ trình hoàn vốn của doanh nghiệp dai dẳng.
Diễn biến này cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng hạ tầng đang đi ngược tiêu chí lựa chọn nhà thầu. Theo quy định, những doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực thi công, khả năng huy động máy móc và thiết bị tốt, đặc biệt là năng lực tài chính lành mạnh sẽ có xác suất trúng thầu các dự án đầu tư công cao hơn.
Trong phiên họp bất thường hồi tháng 9, ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CII – cũng cho biết năng lực tài chính sẽ là tiêu chí mà chủ đầu tư dự án hạ tầng chú trọng để tránh tình trạng “trúng thầu xong để đó” vì doanh nghiệp không đủ năng lực huy động vốn khi ngân hàng hạn chế cho vay đầu tư BOT.
Do đó, cơ cấu nợ đang là chiến lược hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Hồi tháng 8, CC1 thông báo mua lại trước hạn 2.650 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành, dự kiến hoàn thành chậm nhất cuối năm nay. Ban lãnh đạo cho biết động thái này giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu sử dụng vốn.
Cũng trong tháng 8, Đèo Cả chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động hơn 823 tỷ đồng. Thời gian tới, HHV có kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá trị hơn 740 tỷ đồng để đầu tư các dự án và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024.
Thời gian qua, CII cũng ráo riết thực hiện kế hoạch phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông để chuyển từ nợ vay thành vốn chủ sở hữu. Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch này sẽ giúp giảm tải áp lực tài chính lớn cho CII sau thời gian dài công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao để đầu tư các dự án BOT.
Các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng là nhóm hưởng lợi chính cho làn sóng giải ngân đầu tư công. Bộ Tài chính cho biết tiến độ giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/10 đạt hơn 430.600 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm. Hiện tại Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhanh chóng giải ngân.
VNDirect kỳ vọng trong quý IV, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn mà Quốc hội giao cho năm 2023 với giá trị gần 712.000 tỷ đồng.
Theo Tất Đạt/Vnexpress.net