Số tỷ phú USD giảm do kinh tế khó khăn. Nhưng số người siêu giàu tại Việt Nam đang tăng nhanh và được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong các năm tới.
Theo báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh), số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, từ 583 người (năm 2017) lên 1.059 người (cuối năm 2022).
Người siêu giàu là những cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng hơn 700 tỷ đồng).
Trên sàn chứng khoán, số lượng người siêu giàu với chuẩn như trên có khoảng 150 người. Còn lại là những cá nhân kín tiếng, phần lớn chưa có (hoặc có ít) cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những cái tên tuổi trong số này như ông Vũ Văn Tiền, “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn…
Số lượng người giàu tại Việt Nam tăng mạnh được xem là bất ngờ khi nền kinh tế trải qua vài năm khó khăn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của xung đột địa chính trị Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng tài chính-bất động sản…
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt so với thế giới. Tầng lớp trung lưu tăng. Số lượng người siêu giàu tăng mạnh là điều đã được Knight Frank dự báo từ nhiều năm trước đó.
*6 tỷ phú USD
Trên sàn chứng khoán, trong danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2023 (Tạp chí Forbes công bố đầu tháng 4), Việt Nam có 6 đại diện. Tổng giá trị tài sản đạt 12,6 tỷ USD, giảm 8,6 tỷ USD so với năm ngoái.
Chủ tịch Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng xếp số 1 với 4,3 tỷ USD. Chủ tịch VietJet Air (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí số 2 với 2,2 tỷ USD.
Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long vươn lên vị trí số 3 sau một thời gian tụt giảm (và từng rớt khỏi danh sách) với 1,8 tỷ USD.
Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở các vị trí tiếp theo với 1,5 tỷ USD; 1,5 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.
Như vậy, so với bảng xếp hạng năm 2022, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam trong năm 2023 giảm 1 người.
Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn không còn nằm trong danh sách khi cổ phiếu Novaland (NVL) giảm khoảng 70%. Trong năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn có tài sản 2,9 tỷ USD.
Còn tính theo thời gian thực, tới sáng ngày 1/6, 6 tỷ phú Việt có tổng tài sản 12,2 tỷ USD. Trong đó, ông Vượng có 4,2 tỷ USD xếp thứ 663 trên thế giới.
Việt Nam hiện có 6 tỷ phú USD chính thức theo xếp hạng của Forbes. (Ảnh: TH)
*Khoảng 150 người siêu giàu trên sàn chứng khoán
Danh sách hơn 1.000 người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 150 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu giá trị trên 30 triệu USD. Họ là những người siêu giàu rõ ràng nhất.
Ngoài 6 tỷ phú USD nói trên, còn có hàng loạt người liên quan với các tỷ phú này như vợ ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương (8.800 tỷ đồng); bà Vũ Thu Hiền (9.000 tỷ đồng) – vợ ông Trần Đinh Long; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (5.700 tỷ) – vợ ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Hoàng Yến (vợ ông Nguyễn Đăng Quang)…
Các doanh nhân, cổ đông lớn của các doanh nghiệp lớn như Sunshine (Đỗ Anh Tuấn), Vicostone (Hồ Xuân Năng), FPT (Trương Gia Bình), VPBank (Ngô Chí Dũng), Vĩnh Hoàn (VHC), KBC (Đặng Thành Tâm), Bất động sản Phát Đạt (PDR), Hóa chất Đức Giang (DGC), Thế giới di động (MWG), Gelex (GEX), REE, ACB, SSI, HDG, VNZ, HAG, Sacombank (STB), TCH, SeABank (SSB), Kinh Đô (KDC), HDBank (HDB), CEO, Đất Xanh (DXG), PC1, Chứng khoán VCI, Hoa Sen (HSG), Nam Long (NLG), TPBank (TPB), DIC Corp. (DIG), Minh Phú (MPC), Dabaco (DBC), OCB, SIP, Ngân hàng SHB, LPBank (LPB), Digiworld (DGW), Hà Đô (HDG), L18.
Một số doanh nhân bất ngờ rớt khỏi top siêu giàu trên thị trường chứng khoán như Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (LPB) Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy). Ông vẫn được xem là thuộc top siêu giàu bởi từng được đánh giá chỉ sau 6 tỷ phú USD được Forbes xếp hạng.
Vào tháng 11/2021, Bầu Thụy nắm giữ hơn 85,9 triệu cổ phiếu Thaiholdings, khi đó mỗi cổ phiếu có giá khoảng 235.000 đồng/cp. Tổng tài sản của ông Nguyễn Đức Thụy đạt trên gần 21.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nhân nắm giữ cổ phiếu PNJ, QCG, VND, VPI… cũng ngấp nghé ngưỡng siêu giàu, với tài sản chỉ tính riêng quy ra từ cổ phiếu trên sàn, chưa tính các tài sản khác hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Bà Phạm Hồng Linh – chị gái của vợ ông Phạm Nhật Vượng cũng ngấp nghé ở ngưỡng siêu giàu (hơn 700 tỷ đồng) nếu chỉ tính tài sản quy từ cổ phiếu Vingroup (VIC) đang nắm giữ.
Biến động tài sản của 6 tỷ phú USD Việt. (Biểu đồ: M. Hà)
*Nhiều siêu giàu chưa lộ diện
Tại Việt Nam, nhiều doanh nhân nổi tiếng và được xem là siêu giàu, thậm chí là tỷ phú USD. Nhưng họ không nằm trong bảng xếp hạng nào như: ông Vũ Văn Tiền, chúa đảo Đào Hồng Tuyển, ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn…
Ngoài ra, nhiều gương mặt nổi bật khác như ông Đỗ Minh Phú Doji, ông Đỗ Quang Hiển T&T, gia đình ông Đặng Văn Thành – Thành Thành Công, “vua tôm” Lê Văn Quang…
Rất nhiều tập đoàn gia đình Việt đã trở thành đế chế trong các lĩnh vực họ hoạt động.
Gia đình bà Nguyễn Thị Điền – Công ty TNHH may thêu giày An Phước. Đây là doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam với trên 7.000 nhân viên và 11 nhà máy khắp cả nước, với hệ thống cửa hàng An Phước – Pierre Cardin (165 cửa hàng) và hơn 60 cửa hàng thương hiệu Bonjour – Anamai (đồ nội y, thể thao và phụ kiện thời trang nữ).
Bên cạnh đó là các gia đình như: Đoàn Quốc Việt (BIM Group), Trần Kim Thành-Trần Lệ Nguyên (Kido), Vưu Khải Thành (Biti’s), Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát), Lê Văn Kiểm (Golf Long Thành), Nguyễn Hoàng Tuấn (Sơn Kim), Lý Ngọc Minh (sứ Minh Long), Trần Thanh Hải-Trần Thị Lệ (Nutifood), Nguyễn Trí Tân (Kymdan), Nguyễn Thị Mai Phương (Tân Á Đại Thành).
Theo Mạnh Hà/Vietnamnet.vn