VOV.VN – Từ khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân lấn sân vào showbiz với nhiều hoạt động cộng đồng và phát triển sự nghiệp nhà thiết kế áo dài. Ngọc Hân sẽ quay trở lại ghế giảng đường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội vì muốn học lên thạc sĩ để nghiên cứu kiến thức sâu hơn về lĩnh vực nghệ thuật.
Cách đây một tháng, Ngọc Hân từng chia sẻ thông tin sẽ quay trở lại ghế giảng đường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội vì muốn học lên thạc sĩ để nghiên cứu kiến thức sâu hơn về lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật. Sau thời gian chăm chỉ học và thi tuyển sinh đầu vào, cô nhận được tin vui trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam. Nàng hậu sẽ chính thức đi học Thạc sĩ khóa K25 vào tháng 6 tới theo lịch của nhà trường.
Ngọc Hân cho biết, từ lúc có kế hoạch học thạc sĩ, cô đã đăng ký khóa ôn thi tại trường, đồng thời tìm thêm thầy giáo kèm 1-1. “Quá trình ôn thi là một thử thách nhỏ với tôi. Bản thân tôi cũng khá lo lắng trong những ngày đầu tiên ôn thi bởi sau nhiều năm không cầm cọ vẽ, tôi khó có thể theo kịp được những người khác. Để chinh phục được mục tiêu, không có cách nào khác là tôi phải chăm chỉ tập luyện trong giờ học cũng như học phụ đạo với thầy giáo riêng. May mắn là tôi hoàn thành bài thi ở hai môn hình họa (vẽ chì, vẽ màu nước) và lịch sử mỹ thuật tương đối suôn sẻ”, cô nói.
Ngọc Hân vừa tổ chức triển lãm Mây Miền – Trần Nhật Thăng tại Ana Mandara Đà Lạt khi giới thiệu đến công chúng yêu hội họa 27 tác phẩm trừu tượng về mây mà họa sĩ Trần Nhật Thăng sáng tác từ cảm hứng trong thời gian sống ở Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La).
Từ khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân lấn sân vào showbiz với nhiều hoạt động cộng đồng và phát triển sự nghiệp nhà thiết kế áo dài. Người đẹp thổ lộ, trách nhiệm của một hoa hậu cứ thế cuốn cô vào guồng quay của cuộc sống bận rộn và hào quang của sự nổi tiếng từng khiến cô gặp nhiều áp lực dư luận. Phải mất vài năm khi đã quen được nhịp sống đó, cô mới có thể sống chậm lại để tìm ra mục tiêu của bản thân. Từ khi lập gia đình và tham gia tham gia vào mảng tổ chức triển lãm nghệ thuật, cô có thêm ước mơ trở thành đấu giá viên của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Trước đó, cô cùng các cộng sự từng thực hiện 10 triển lãm khác cho nhiều họa sĩ cũng tại thành phố ngàn thông trong khoảng 2 năm trở lại đây và thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham dự.
“Càng gặp gỡ và trò chuyện với các họa sĩ, giám tuyển và phê bình nghệ thuật, tôi càng thấy mình còn rất nhiều lỗ hổng về kiến thức. Dù cũng chăm chỉ đọc và nghiên cứu qua sách báo nhưng những kiến thức tôi biết vẫn chỉ là bề rộng, chứ không đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Vì thế, để có tư duy logic hơn cho bản thân, việc học thạc sĩ là quyết định cần thiết của tôi ở thời điểm hiện tại. Tương lai, tôi muốn làm thật nhiều dự án ý nghĩa về văn hóa, nghệ thuật cho xã hội”, cô bộc bạch.
Theo Hà Phương/VOV.VN