Francoise Barré-Sinoussi, người từng đoạt giải Nobel nhờ phát hiện HIV, cho rằng virus này rất phức tạp, khó chữa khỏi, song các loại thuốc hiện nay giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh.
“Điều quan trọng nhất để chữa khỏi bệnh hoàn toàn là phải tìm ra những loại thuốc làm sao tách virus ra khỏi cơ thể người và hiện chúng ta chưa đạt được trình độ đó”, GS. Francoise nói khi giao lưu với giảng viên, sinh viên trường ĐH Văn Lang, ngày 13/11.
Bà giải thích thêm HIV hiện diện khắp các phân tử trong cơ thể, kể cả trong gene. Muốn loại bỏ virus, buộc phải loại bỏ các phân tử trong cơ thể chứa virus.
“Đó là điều chúng ta không thể nào làm được”, GS. Francoise nói.
40 năm trước, nữ giáo sư cùng một số nhà khoa học đã tìm ra HIV, virus gây bệnh AIDS – được xem là “căn bệnh thế kỷ”. Năm 2008, bà được trao giải Nobel Sinh lý học và Y học và là một trong 13 nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng này tính đến nay. Bà là tác giả, đồng tác giả của 270 bài báo khoa học, hơn 250 bài tham luận tại các hội nghị khoa học, 17 bằng sáng chế, được trao nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế lớn.
GS. Francoise Barré-Sinoussi giao lưu với giảng viên, sinh viên, ngày 13/11. Ảnh: Trường ĐH Văn Lang
Dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS, thế giới đã phát triển nhiều loại thuốc điều trị. Người bệnh phát hiện sớm, điều trị theo đúng phác đồ có thể sống khỏe mạnh.
Đơn cử, chương trình điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam được đánh giá triển khai tốt, với 31.000 người đang sử dụng PrEP. Ngoài ra, 169.000 người đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 97%.
Một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Ngoài những trường hợp được điều trị bằng thuốc, thế giới còn có những người mang virus trong cơ thể rất lâu, không cần dùng thuốc vẫn ngăn chặn được sự lây của virus này. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp, dưới 0,5% và họ là đối tượng nghiên cứu của khoa học.
“Các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương hướng có thể cô lập virus để chúng không tiếp tục lây lan, phát triển, bên cạnh việc tìm cách hạn chế các phản ứng phản vệ của cơ thể với HIV”, bà nói.
Nữ giáo sư người Pháp đã hơn 20 lần đến Việt Nam, có nhiều đóng góp trong phòng chống đại dịch HIV/AIDS. Ảnh: Trường ĐH Văn Lang
GS. Francoise đến Việt Nam từ năm 1988, trước khi Việt Nam phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên năm 1990. Chuyến đi đầu tiên, bà đã tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về HIV/AIDS cho các nhà khoa học Việt. Đến nay, bà đã có hơn 20 lần đến Việt Nam, trực tiếp đào tạo cũng như giúp nhiều nhà khoa học và bệnh viện, viện nghiên cứu kết nối với nhiều chuyên gia trên thế giới, tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế. Bà nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế, Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp đặc biệt trong xây dựng và phát triển nền y sinh học Việt – Pháp và khống chế đại dịch HIV/AIDS. Đây là huân chương cao quý nhất của Việt Nam dành cho người nước ngoài.
Theo Lê Phương/Vnexpress.net