Chiều ngày 19/5, người mẫu, diễn viên Đức Tiến đã qua đời tại Mỹ do đột quỵ, khiến nhiều người bàng hoàng và lo lắng về căn bệnh nguy hiểm này. Anh mất ở tuổi 44, một cái chết đột ngột cho thấy sự nguy hiểm của đột quỵ.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng tổn thương não nghiêm trọng do gián đoạn dòng máu hoặc vỡ mạch máu trong não. Khi dòng máu bị ngưng trệ, oxy và dưỡng chất không được cung cấp đủ, các tế bào não bắt đầu chết dần chỉ trong vài phút.
Đột quỵ có 2 loại: đôt quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não
Ai dễ bị đột quỵ
- Người bị rối loạn lipid máu (máu nhiễm mỡ)
Khi hàm lượng cholesterol trong máu cao, có thể phá hủy các lớp “áo” trong của mạch máu khắp cơ thể, điển hình là tim và não. Chúng dễ hình thành các mảng xơ vữa ở lòng động mạch và gây xơ cứng mạch máu; tăng sự hình thành các cục máu đông bệnh lý (huyết khối); gây cản trở cung cấp máu lên não.
- Bệnh nhân tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường (còn gọi là bệnh đái tháo đường) dễ gặp các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận,… Theo nghiên cứu đã chỉ ra, người bị đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người không mắc bệnh tiểu đường.
- Người mắc bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp
Các bệnh nhân mắc bệnh lý về tim như rung nhĩ, hở van tim, rối loạn nhịp tim, khuyết tật tim bẩm sinh,… khiến cho việc bơm máu từ tim thiếu trơn tru, điều này dễ làm tim ngừng cung cấp máu lên não đột ngột. Hay sự hình thành cục máu đông ở tim do rối loạn nhịp tim di chuyển đến não, gây tắc nghẽn mạch máu não.
Tăng huyết áp thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đó là vì, khi huyết áp tăng cao lực tác động của máu lên thành động mạch sẽ cao hơn mức cần thiết. Tình trạng này kéo dài dễ khiến mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt được nữa. Khi có sự hình thành của cục máu đông trong thành mạch và di chuyển có thể dồn ép thành mạch máu, khiến thành mạch máu bị vỡ gây xuất huyết não.
- Người nghiện thuốc lá
Hút thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ não. Bởi thuốc lá dễ gây viêm trong mạch máu, dễ hình thành cục máu đông – là nguyên nhân chính gây đột quỵ não. Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng gây phá hủy thành tế bào mạch máu, tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch và tăng triglyceride trong máu.
- Nếu có người thân từng bị đột quỵ thì phải lưu ý
Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ thì bạn cũng cần cảnh giác. Bởi thói quen sống và yếu tố di truyền ở những người có thành viên bị đột quỵ có thể cao hơn những gia đình không có người thân bị đột quỵ.
- Người trẻ có thói quen sống không khoa học
Những người trẻ cũng là “con mồi” của đột quỵ. Ngoài bệnh lý dị dạng mạch máu não ở người trẻ thì nguyên nhân hàng đầu khiến giời trẻ trở thành “con mồi” của đột quỵ là do lối sống không lành mạnh như: ăn nhiều thức ăn nhanh; thói quen uống bia, rượu thường xuyên; hút thuốc lá; ít vận động; làm việc quá sức; hay căng thẳng stress; thức khuya ngủ muộn,…
- Người cao tuổi
Những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, thêm vào đó là các cơ quan trong cơ thể cũng dần suy yếu do quá trình lão hóa. Nếu người cao tuổi không kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe, cũng như có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đột quỵ não “ghé thăm”.
Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ
Phòng ngừa luôn là phương pháp điều trị tốt nhất, đặc biệt khi bạn có những yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ. Cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là thực hiện một lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây bệnh:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: ăn đủ loại thực phẩm giàu chất xơ, như rau củ và trái cây, và hạn chế ăn thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và cholesterol. Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn cũng là một biện pháp quan trọng để kiểm soát huyết áp.
- Bỏ thuốc lá: Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn tăng nguy cơ đột quỵ. Bỏ thuốc lá không chỉ là cách giảm nguy cơ đột quỵ mà còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ cho đột quỵ. Duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ.
- Giảm hoặc ngừng uống rượu bia: Rượu và bia có thể tăng huyết áp và gây ra các vấn đề về tim mạch. Việc giảm hoặc ngừng uống rượu bia có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
- Thực hiện tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp duy trì cân nặng hợp lý mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch và huyết áp. Tập luyện với cường độ trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần, sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe định kỳ 3 – 6 tháng một lần, đặc biệt là khi bạn có yếu tố nguy cơ cho đột quỵ. Việc này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa đột quỵ.
Nguyen Linh