Hơi mặn của muối, vị chát của mồ hôi, cái nóng như rang áp vào đôi bàn chân, phả vào mặt mũi, những diêm dân vẫn cần mẫn, dầm gót chân trần dưới ruộng để cào muối.
Cánh đồng muối Bạch Long từng là nơi sản xuất muối lớn nhất miền Bắc, rộng tới 230 ha. Nhưng giờ đây diện tích canh tác chỉ còn ⅓ – khoảng 52 ha – giá cả bấp bênh, lao động thủ công nên diêm dân ở đây bỏ nghề và không còn mặn mà gì với thứ “vàng trắng” này nữa.
Những người cõng nắng, cõng gió
Cánh đồng muối Bạch Long nằm tại xã Bạch Long, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Với vị trí tự nhiên ven biển, đồng muối Bạch Long không thích hợp để trồng lúa, nhưng lại có thế mạnh là nguồn nước mặn dồi dào. Do đó, việc sản xuất muối đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng và ổn định cho người dân địa phương.
Nghề làm muối ở đây thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Khác với những nơi khác chỉ cần múc nước biển lên phơi, diêm dân Bạch Long phải thêm công đoạn phơi cát và “lọc cát” khá độc đáo. Công việc này bắt đầu từ sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên còn chưa xuất hiện.
Từ 3-4 giờ sáng, diêm dân cùng với chiếc xẻng bắt đầu phơi cát.
Gắn bó với nghề làm muối ngót nghét 40 năm, ông Hới, xã Bạch Long cho biết: “Nước ở vùng biển Bạch Long gần cửa sông nên nồng độ mặn thấp, nên quy trình làm muối ở đây phải có thêm công đoạn phơi cát, lọc cát để tăng nồng độ mặn”. Khi những sân cát được lấp đầy cũng là lúc mặt trời lên cao, đây cũng là thời điểm lý tưởng để đến với công đoạn làm muối.
Cát khi đủ nắng, đạt độ khô sẽ được cho vào chạt, bên dưới chạt là một lớp nan rồi đến một lớp lưới.
Nước biển được dẫn từ ngoài biển vào được lọc cùng cát qua chạt. Đổ nước cũng cần một tấm chắn để nước không bị xoáy sâu.
Nước biển khi đã đi chạt đạt độ mặn hơn nước biển chảy vào thống con, rồi được múc qua thống cái.
Những chiếc bầu múc nước từ thống cái đã được tinh lọc rồi đổ lên những chiếc sân phơi riêng (ấn phẳng được làm từ vôi và tro bếp, chia thành nhiều ô nhỏ).
Việc đổ nước biển lên sân phơi được người dân làm hết sức thành thạo. Họ phải tính toán lượng nước phù hợp, với ô nhỏ thường dùng 2 bầu nước, còn ô lớn thì cần 3-4 bầu, và lượng nước này cũng phải được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ nắng, vì nếu đổ quá nhiều nước, muối sẽ ngậm nước và không thể khô hoàn toàn, làm ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch.
Hoàn thành xong công việc trên họ trở về nhà làm những công việc thường ngày như ăn uống, chăm con cái. Phụ nữ thì chăm sóc nhà cửa vườn tược, cho lợn gà ăn; đàn ông thì đi đánh tôm, cá hoặc những công việc nặng khác để kiếm thêm thu nhập.
Buổi chiều, sau khi ăn cơm trưa xong, 12h30 hoặc 13h, diêm dân lại tiếp tục ra đồng muối. Họ vun cát vào thành hàng, sau đó họ dùng cái xe nhỏ được làm bằng gỗ và lạt để chở cát vào chạt và lọc để lấy nước cho ngày hôm sau.
15h30-16h muối cũng đã bắt đầu được tạo thành, người dân dùng một dụng cụ sắc để cào muối trên sân.
Những đụn muối nhỏ trắng tinh, lấp lánh phản chiếu dưới ánh mặt trời. Mùa hè oi ả, nắng chiều chẳng dịu đi là bao, quyện thêm gió biển càng nóng, hình bóng của diêm dân in trên từng ruộng muối trắng.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt, hình ảnh những diêm dân trên cánh đồng muối đang oằn mình “cõng nắng”, cõng cả những mằn mòi của cuộc sống trên vai, hối hả, tất bật dùng bạt, xẻng để gom những mẻ muối trắng ngần và chờ chất trên chiếc xe cút kít cho ráo nước để chở vào lều. Dù mệt mỏi, vất vả là thế nhưng diêm dân nơi đây vẫn luôn lạc quan với nụ cười thường trực trên môi.
Sau khi đã cất muối vào kho, họ hoàn thành nốt các công việc còn lại như: múc cát ra khỏi “chạt” để chất thành đống cho hôm sau phơi, đổ nước để rửa sạch sân phơi, rửa sạch nông cụ… Vậy là kết thúc công việc trong 1 ngày của người dân làm muối. Quy trình cứ thế lặp đi lặp lại, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của diêm dân nơi đây.
Đối với diêm dân, nghề sản xuất muối luôn là một nghề vất vả, nhọc nhằn. Cái nghề mà quanh năm ai cũng cầu sao ngày nắng thật lớn chỉ vì lo mỗi trận mưa dông ập về thì công sức coi như “trôi sông, đổ biển”. Cái nghề mà ngày ngày vẫn phải oằn lưng “cõng nắng, cõng gió”, dưới thời tiết nóng oi bức mặc cái hương vị mặn mòi kia ám trên từng gương mặt đen sạm theo thời gian.
Bấp bênh với chính nghề truyền thống
Đã từng là cánh đồng muối lớn nhất các tỉnh phía Bắc luôn tấp nập người, với khoảng 4.000 lao động tại các ruộng muối, giờ chỉ còn duy trì được 52ha muối đang sản xuất với khoảng hơn 500 lao động.
Về Bạch Long bây giờ, không khó để nhìn thấy những thửa ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, sân phơi nứt nẻ, xuống cấp.
Trên cánh đồng chỉ còn lại vài người lớn tuổi cố bám trụ lấy nghề, vì không làm muối cũng chẳng biết làm gì khác. Lao động trẻ khỏe đã đi làm công nhân xí nghiệp để có thu nhập ổn định hơn.
Chỉ có lao động lớn tuổi là cố bám trụ với nghề, người trẻ nhất cũng đã ngoài 50 tuổi.
Hiện nay, để tháo gỡ một phần khó khăn cho diêm dân, hỗ trợ họ duy trì nghề muối, Ủy ban nhân dân xã Bạch Long đã cho quy hoạch lại vùng sản xuất muối. Những vùng sản xuất kém hiệu quả được đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang đất trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản.
Hình ảnh những ruộng muối, xe muối trắng xóa cùng với hình ảnh những người con mặn mòi của biển cần cù hăng say với thành quả lao động của mình luôn gây ấn tượng với mỗi người khi đến đây – những người ngày ngày đội nắng chắt lọc sự tinh túy của biển cho đời.
Mong rằng, trong những ngày tới, muối được giá để những diêm dân xã Bạch Long được hưởng trọn niềm vui “được mùa được giá”. Cùng với sự chung tay góp sức xây dựng từ chính quyền địa phương, các tổ chức, dự án về làng nghề và từ chính người dân sẽ làm sống dậy sức sống của một làng nghề truyền thống.
Theo Nguyễn Hoa/Vtv.vn