Trên địa bàn Hà Nội, nhiều bếp ăn ‘0 đồng’ ra đời với sự tham gia của các thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các bếp ăn hoạt động đều đặn, mang đến những suất cơm yêu thương gửi tới các bệnh nhân nghèo, những mảnh đời yếu thế đang điều trị trong bệnh viện.
Tại con ngõ nhỏ 15 Phương Mai (Q.Đống Đa, Hà Nội) có một nhà ăn “0 đồng”. Tại đây nấu những suất cơm miễn phí từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, đóng hộp cẩn thận và trao tận tay cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Quá trình chuẩn bị suất cơm của các tình nguyện viên tại Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai (Ảnh: Trang Nhung)
Chị Phạm Thị Thúy, quản lý nhà ăn 0 đồng Bạch Mai cho biết, nhà ăn đã duy trì hoạt động 2 năm qua. Các nhà hảo tâm của nhóm ủng hộ những gì mà họ có, người có tiền gửi tiền, người có cơm gửi cơm, người không có đồ thì đến góp sức.
Khởi điểm mô hình nhà ăn xuất phát từ thời điểm dịch Covid-19, khi ấy chị Thúy cùng đồng đội tham gia nấu cơm, phát xôi cho người vô gia cư. Được người dân hưởng ứng, chị nhận ra chỉ một phần cơm nhỏ đã có thể thắp lên niềm vui cho người khốn khó.
Cùng thời điểm đó, đội chị Thúy chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những trường hợp bệnh nặng phải vay nợ ngân hàng để lên thành phố chữa trị lâu dài tại Bệnh viện Bạch Mai. Thấu hiểu được sự vất vả ấy, chị cùng các bạn lập nên Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai để hỗ trợ người bệnh phần nào về kinh tế, cũng như động viên họ vượt qua mặc cảm tự ti về bệnh tật, để họ thấy rằng bên cạnh mình vẫn có người đồng hành.
Sau khi thành lập, nhà ăn thu hút sự tham gia của các thành viên ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau. Họ tận dụng tối đa thời gian để chuẩn bị, gói ghém suất ăn đến trao tận tay thân nhân các bệnh nhân đang được điều trị ở bệnh viện.
“Hàng ngày, mọi người sẽ đi chợ vào lúc sáng sớm, sau đó sơ chế nguyên liệu trước ở nhà. 13 giờ di chuyển đến nhà ăn bắt đầu nấu, đảm bảo 16 giờ kịp hoàn tất những suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng. Thường một ngày chúng tôi phát được 400 – 500 suất. Thực đơn thay đổi theo ngày và chủ yếu là đồ chay”, chị Thúy nói.
Hình ảnh hàng dài người xếp hàng đợi đến lượt nhận cơm lâu dần trở nên quen thuộc với những hộ dân sinh sống tại ngõ 15 Phương Mai. Cầm suất cơm nóng hổi trên tay, bà Nguyễn Thị Hằng (50 tuổi, Thanh Hóa) không nén nổi niềm vui. Bà đang chăm sóc mẹ điều trị bệnh viêm phổi tại Bệnh viện Bạch Mai. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên suất cơm miễn phí này đã giúp chị vơi bớt gánh nặng về kinh tế.
“Có người nhà nằm viện mới thấy sợ cảnh chắt chiu, tích cóp từng đồng bạc để trả tiền viện phí. Với người bình thường, suất cơm “0 đồng” chẳng to lớn gì nhưng đó là cả niềm hạnh phúc và hy vọng với người nghèo”, bà Hằng xúc động.
Chung cảm xúc với bà Hằng, ông Bạch Thanh Huy (63 tuổi, Quảng Ngãi) nhận xét, suất cơm tuy nhỏ nhưng đã giúp những người bệnh nơi đất khách như ông cảm nhận rõ nét hơi ấm tình người, qua đó vơi bớt nỗi buồn xa nhà.
Trao yêu thương, nhận hạnh phúc
Tại đường Cầu Bươu (Q.Hà Đông, Hà Nội), cứ mỗi thứ tư và chủ nhật hàng tuần, những tình nguyện viên lại tụ tập tại căn bếp nhỏ mang tên Bếp An Yên để chuẩn bị hàng trăm suất cơm “0 đồng” gửi đến các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều và Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư.
Hàng dài người đợi nhận cơm tại Bệnh viện K Tân Triều (Ảnh: Trang Nhung)
Lắng nghe trải lòng của chủ nhân Bếp An Yên – chị Nguyễn Thị Vân (Q.Hà Đông, Hà Nội) mới biết, chị ấp ủ ước mơ thành lập bếp ăn từ thiện từ 10 năm trước và giờ đã trở thành hiện thực. Lý do thành lập vỏn vẹn trong một chữ “duyên”, bởi chị Vân luôn có một xúc cảm đặc biệt trước những mảnh đời bất hạnh.
Mới đầu thành lập, bếp ăn chỉ phát được 100 – 150 suất bởi thiếu nguồn kinh phí và ít nhân lực. Sau đó, nhờ các kênh truyền thông, nhóm được biết đến rộng rãi hơn và tìm được thêm nhiều bạn đồng hành. Hiện Bếp An Yên có thể cung cấp 500 – 600 suất ăn mỗi ngày.
Theo chị Vân, trước khi lên thực đơn mỗi buổi, Bếp An Yên sẽ xin ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia an toàn thực phẩm để biết bệnh nhân ăn gì, kiêng gì. Mỗi nhóm bệnh nhân có thực đơn riêng để phù hợp với tình trạng điều trị của người bệnh, nhưng vẫn phải đáp ứng các tiêu chí: ngon, sạch và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bếp “nói không” với đồ đông lạnh; các món đều do nhóm tự nấu, không phẩm màu, không chất bảo quản.
“Nhiều bệnh nhân sau khi nhận suất cơm đã trực tiếp gặp tôi nói lời cảm ơn. Họ tâm sự nhờ nhóm mà được tiếp thêm niềm tin và tình yêu thương vào cuộc sống. Nghe được những lời đó, cả nhóm đều rất vui bởi việc làm của mình giúp lan tỏa sự tích cực và các giá trị tốt đẹp”, chị Vân chia sẻ.
Là thành viên hoạt động tích cực tại Bếp An Yên, Chị Nguyễn Hương (45 tuổi) cho biết, bếp ăn “0 đồng” hoạt động với tinh thần ai có của thì góp của, ai có công thì góp công, ai rảnh giờ nào thì đến hỗ trợ giờ đó. Luôn tâm niệm cho đi để được nhận lại nhiều hơn, nên khi biết đến hoạt động của bếp chị Hương đã không ngần ngại đăng ký tham gia.
“Các thành viên trong nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện, có việc gì cũng chia nhau làm. Ai cũng nhiệt tình, không câu nệ việc lớn hay việc nhỏ, bởi chúng tôi đều muốn nhìn thấy người bệnh hạnh phúc khi tận tay trao đi các suất cơm gói ghém yêu thương và công sức của mình trong đó”, chị Hương bộc bạch.
Theo Trang Nhung/Thanhnien.vn