Theo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden đã ký thông qua dự luật cấm nhập khẩu nhiên liệu uranium từ Nga.
Theo thông báo của Nhà Trắng, ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua Đạo luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga, trong đó bao gồm uranium thô và uranium làm giàu thấp do các công ty Nga hoặc thực thể có liên quan đến Moskva sản xuất.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga, và đạo luật này đã được gửi đến Nhà Trắng ngay sau đó.
Đạo luật cấm uranium từ Nga vẫn có những miễn trừ cho các công ty năng lượng hạt nhân của Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên, đạo luật này vẫn cho phép miễn trừ một số trường hợp nếu các công ty năng lượng hạt nhân của nước này không tìm được nguồn uranium làm giàu thấp thay thế cho nguồn nhiên liệu từ Nga. Ngoài ra việc nhập khẩu uranium từ Nga vẫn được phép nếu phục vụ lợi ích quốc gia.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2028 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2040.
Hiện tại Washington đã hạn chế nhập khẩu uranium của Nga xuống mức 20% nhu cầu hàng năm. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu gần 1,2 tỷ USD uranium của Nga, đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2009.
Nga vẫn giữ vị trí hàng đầu trong số các nhà cung cấp uranium của Mỹ về mặt giá trị, đồng thời tăng tỷ trọng nhập khẩu từ 26% lên 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thay thế nguồn cung uranium từ Nga, Mỹ đã thúc đẩy sản xuất nguồn uranium trong nước thông qua dự án IBEW ở miền nam Ohio.
Tháng trước, Tổng thống Biden cũng tự hào tuyên bố rằng IBEW đã sản xuất được 90kg uranium làm giàu cấp độ thấp (HALEU) có hàm lượng cao đầu tiên. Đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không thể phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân nhập khẩu từ Nga.
Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng “nhiên liệu hạt nhân tiên tiến” là cần thiết cho “thế hệ lò phản ứng tiếp theo” của Mỹ và cơ sở Ohio dự kiến sẽ làm giàu ít nhất một tấn uranium từ đây đến cuối năm. Số nhiên liệu này đủ cung cấp điện cho 100.000 gia đình ở Mỹ.
Theo Tổng thống Biden, Mỹ đang dựa vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu từ các nước như Nga để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của mình. Washington muốn thay đổi điều này và cam kết đầu tư hơn 3,4 tỷ USD cho việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân mới.
Theo Trà Khánh/VTCNews.vn