Những ngày nắng dài, nhiệt độ cao liên tục, cơ thể ra nhiều mồ hôi, dễ mất nước, kiệt sức gây nên đau đầu khó chịu.
Vì sao nắng nóng gây đau đầu?
Các chất ô nhiễm trong không khí tăng cao góp phần gây đau đầu. Nắng nóng còn làm cơ thể khó điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, hoạt động thể chất dưới trời nắng cũng làm tăng nguy cơ đau đầu.
Người bị đau đầu thường có các triệu chứng trầm trọng hơn do các yếu tố kích thích như độ ẩm quá cao, ánh nắng chói, thay đổi đột ngột về áp suất khí quyển. Mất nước cũng có thể ảnh hưởng đến mức serotonin, khiến cơn đau đầu trầm trọng hơn.
Những ngày nắng dài, nhiệt độ cao liên tục, cơ thể dễ mất nước, kiệt sức gây nên đau đầu khó chịu. Ảnh minh họa.
Khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao, các mao mạch trên đầu bị giãn nở quá mức dẫn đến cảm giác đau đầu tăng lên, nhất là khi phải thường xuyên di chuyển giữa phòng có điều hòa nhiệt độ với không gian bên ngoài trời.
Thời tiết nắng nóng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm não bộ bị thiếu dưỡng khí gây đau đầu, thậm chí đau nhức toàn thân. Hơn nữa, nắng nóng làm nhiều người hay uống nước đá để làm mát, tuy nhiên điều này làm kích thích niêm mạc họng nhạy cảm và đau.
Tình trạng đau đầu vào ngày hè nắng nóng xuất hiện nhiều hơn khi phải thường xuyên tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời. Ánh nắng chói chang sẽ làm hệ thống thần kinh bị tác động và gây nên tình trạng say nắng kèm theo là những cơn đau đầu.
Cách hạn chế đau đầu do thời tiết nắng nóng
1. Hạn chế ở ngoài trời
Tránh tiếp xúc ánh mắt mặt trời vào những giờ cao điểm, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ cao. Nếu ra ngoài, mọi người nên mặc áo quần dài tay, đeo kính, tìm bóng râm để giảm tiếp xúc với nhiệt độ cao.
2. Uống nhiều nước
Vì nhiệt độ tăng khiến cho cơ thể ra mồ hôi làm bị mất nước, đặc biệt lượng muối, đường, khoáng chất trong cơ thể cũng bị giảm đi làm bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, choáng thậm chí bị nhức đầu. Vì vậy cần phải bổ sung nước kịp thời để bù nước đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể. Không nên uống nước lạnh, tốt nhất là uống những loại nước ép trái cây.
Người lớn nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Tăng lượng nước nếu phải hoạt động ngoài trời nắng và tham gia các bài tập thể dục thể thao toát nhiều mồ hôi. Lượng nước tiêu thụ mỗi ngày có thể tính cả nước lọc, nước canh, nước ép…
Đồ uống thể thao thay thế chất điện giải có thể giúp giữ nước và duy trì cân bằng điện giải khi tập luyện trong nhà. Nên chọn các đồ uống giàu chất điện giải lành mạnh, ít đường.
Tránh tiếp xúc ánh mắt mặt trời vào những giờ cao điểm, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ cao.
3. Mặc quần áo thoáng mát
Ngoài các phụ kiện bảo vệ như mũ lưỡi trai và kính râm, mặc quần áo nhẹ và thoáng mát cũng góp phần tránh mất nước, sốc nhiệt, phòng ngừa đau đầu.
4. Tập luyện vận động nhẹ nhàng
Yoga, ngồi thiền giúp giảm căng thẳng, áp lực và đau đầu. Thể dục giúp tăng cường sức chịu đựng, sức đề kháng, chống lại thời tiết khắc nghiệt mùa hè và làm giảm cơn đau. Duy trì cân bằng điện giải.
5. Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng rất quan trọng với sức khỏe tổng thể, duy trì năng lượng, tránh kiệt sức do nắng nóng. Nên ăn đủ chất và bổ sung các khoáng chất cần thiết bằng cách ăn chuối và cam quýt: Vì chuối giàu dinh dưỡng Alkaloid, vitamin B6, tryptophan… giúp người bệnh thêm hưng phấn, giảm mệt mỏi. Vitamin B6 và tryptophan hỗ trợ thần kinh, giúp giảm lo lắng, giảm đau. Cam, quýt… giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thanh nhiệt và có thể giúp làm giảm các cơn đau nhức đầu.
Những ngày nắng nóng nên tránh đồ uống chứa caffein, đồ uống có cồn như rượu, bia vì dễ mất nước.
6. Sử dụng kem chống nắng
Thoa lại kem chống nắng thường xuyên và tránh tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao cũng có thể giảm nguy cơ đau đầu do nhiệt.
Theo BS. Vũ Khánh/Suckhoedoisong.vn