Xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục là “điểm sáng” năm nay.
Xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian tới, một số loại trái cây bước vào thu hoạch chính vụ như: thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… Xuất khẩu rau quả dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng do Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với dưa hấu. Bên cạnh đó, các Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, chanh leo vào Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán tích cực.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam ngày càng tiếp cận sâu, rộng hơn sang các thị trường khác như: Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, UAE…,
Trước cơ hội khi nguồn cung và thị trường đã sẵn sàng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp và nông dân cố gắng làm sao giữ vững được chất lượng. Qua cảnh báo của Trung Quốc mới đây về sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm cho thấy, thị trường này cũng đã quan tâm đến các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.
Rau quả xuất khẩu của nước ta bứt phá trong quý I/2024. Ảnh minh họa.
Trao đổi với TTXVN ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải có những khuyến cáo, phổ biến các thông tin, xây dựng các quy trình sản xuất đến nông dân. Người nông dân cần sản xuất theo định hướng, hướng dẫn của doanh nghiệp, hợp tác xã; tuân thủ các quy định chặt chẽ về mặt chất lượng, để đảm bảo cho các sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, có thời cơ nhưng không vì thế buông lỏng quản lý chất lượng. Cần quản lý chặt chẽ ở các khâu trong chuỗi giá trị để đảm bảo về an toàn thực phẩm. Vì trong tất cả các khâu trong chuỗi đều có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như: thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng… Thời gian qua, Bộ tích cực chỉ đạo các địa phương rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, để có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2024
Trước đà tăng xuất khẩu những tháng đầu năm, dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng mang về 6,5 đến gần 7 tỷ USD trong năm nay.
Theo báo Đầu Tư dự kiến, năm 2024, xuất khẩu rau quả, trong đó có trái sầu riêng của Việt Nam, sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Đáng chú ý thời gian qua, Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022.
Bên cạnh đó, trái dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu mang về 6,5 tỷ đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, đồng thời các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….
Đặc biệt Trung Quốc là thị trường trọng điểm xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Theo đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam cần đảm bảo và nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Cũng từ những cảnh báo về xuất khẩu sầu riêng nói riêng, rau quả nói chung, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xác minh nguyên nhân và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Cùng với đó là tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.
Theo Trúc Chi/Nguoiduatin.vn