HĐXX tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình, Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) 17 năm tù, Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB) án chung thân…
Chiều 11/4, TAND TPHCM đưa ra mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên 20 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù tội Đưa hối lộ và tử hình tội Tham ô tài sản. Tổng bị cáo lĩnh án chung là tử hình.
Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) lĩnh 17 năm tù; Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB) lĩnh án chung thân…
*Một loạt bất động sản của bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị kê biên
Về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng trong vụ án, tòa nhận định, trong vụ án này về trách nhiệm hình sự, HĐXX xem xét theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo trên tổng số tiền thiệt hại là 498.000 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng, tương đương dư nợ của 1.284 khoản vay.
Theo HĐXX, đáng lẽ phải yêu cầu các bị cáo bồi hoàn toàn bộ, tuy nhiên, bản chất số tiền thất thoát là do bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng, chỉ đạo sử dụng, các bị cáo khác nghe theo chỉ đạo của bà Lan để thực hiện hành vi sai phạm.
Thực chất bản chất 1.284 khoản vay này SCB thực hiện không đúng quy định pháp luật. Số hợp đồng vay này là phương thức, thủ đoạn để bà Lan rút tiền SCB sử dụng. Do đó, tòa chỉ buộc bị cáo Lan bồi hoàn tiền lãi, toàn bộ dư nợ 1.284 khoản vay được xác định chiếm đoạt, gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng cho SCB.
Căn biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 (Ảnh: Nam Anh).
Tính toán khấu trừ phần nghĩa vụ của bị cáo Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt, Cao Việt Dũng, Nguyễn Thanh Tùng… đã hoàn trả cho bà Lan, số tiền mà bà Trương Mỹ Lan còn phải khắc phục là 673.849 tỷ đồng.
Tòa ghi nhận sự tự nguyện của Trước nộp lại 2.204 tỷ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan. Một số cá nhân nhận tiền từ Dương Tấn Trước (nguồn tiền có được từ vụ án), tòa yêu cầu phải nộp lại.
Đối với những số tiền mà các bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu quả vụ án, HĐXX cho rằng trong vụ án này, tòa không buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự. Song, các bị cáo tự nhìn nhận sai phạm, tự nguyện nộp tiền, HĐXX sẽ ghi nhận tình nguyện và xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.
Những số tiền này sẽ được chuyển cho SCB, khấu trừ nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án. Với tiền, cổ phiếu, đồ vật đã kê biên, phong tỏa thì tiếp tục thực hiện để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Lan.
5,2 triệu USD hối lộ mà bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nhận, HĐXX xét thấy tiền này bị cáo Lan rút ra khỏi SCB, là công cụ thực hiện hành vi phạm tội nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Tòa buộc bị cáo Nhàn phải nộp phạt 100 triệu đồng ngoài trách nhiệm hình sự.
Hơn 1.100 mã tài sản còn lại trong vụ án đang thế chấp ở SCB, HĐXX tuyên giao SCB tiếp tục quản lý xử lý để tiếp tục thanh toán dư nợ. Trong số này có một số mã tài sản thuộc sở hữu bà Lan nhưng cho người khác đứng tên hộ, HĐXX cho rằng trong quá trình SCB thu hồi nợ, khi đã giải quyết xong các khoản nợ, phần còn lại SCB phải phối hợp C03 xác định tài sản nào của bà Lan để tiếp tục đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho bị cáo.
Với căn biệt thự cổ110-112 Võ Văn Tần (quận 3) hiện chưa thu giữ được sổ đỏ, con gái bà Lan là Chu Duyệt Phấn xin hủy kê biên. Tòa xét cổ đông công ty sở hữu tòa nhà này thực chất là con cháu của Trương Mỹ Lan nên là tài sản của bà Lan. Do đó, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo. Tài sản này UBND TPHCM chỉ cho trùng tu, không được thay đổi hiện trạng.
Tòa nhà ở 75 Nguyễn Huệ mà Vạn Thịnh Phát cho Ngân hàng SCB thuê, HĐXX xác định đây là tài sản của bà Trương Mỹ Lan nên tuyên tiếp tục kê biên nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Với loạt bất động sản tại quận 1, quận 7, quận 4, quận Phú Nhuận…, HĐXX cũng tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ dân sự của bà Lan.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần TH Hạ Long và Công ty Âu Lạc đã nhận từ bà Lan 6.095 tỷ đồng để chuyển nhượng 18 triệu cổ phần. HĐXX xét thấy bị cáo Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ rất lớn phải thực hiện, tiền bà Lan đưa cho 2 công ty trên là tiền từ SCB. Do đó, HĐXX cho rằng phải thu hồi về cho SCB, buộc Công ty cổ phần TH Lạ Long và Âu Lạc nộp lại 6.095 tỷ đồng.
Với tài sản kê biên của bị cáo Trương Huệ Vân, tòa nhận định Vân được bị cáo Lan nuôi nấng từ nhỏ, bản chất tài sản là của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nên tuyên tiếp tục kê biên đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Đối với tài sản phong tỏa, kê biên có liên quan vụ án, HĐXX tuyên tiếp tục phong tỏa, kê biên; đồng thời, gỡ phong tỏa, kê biên với các tài sản không liên quan tới vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hải Long).
HĐXX: Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu
Sáng cùng ngày, HĐXX công bố một phần bản án liên quan tới hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Theo HĐXX, kết quả thẩm tra tại tòa, các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Lan cho rằng bản thân không chi phối, chỉ đạo hoạt động tại SCB, mà ngược lại còn dùng tài sản để cho SCB mượn tái cơ cấu.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX cho rằng lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty khác trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát.
Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, HĐXX có đủ cơ sở xác định bà Lan đã nắm giữ cổ phần hơn 91,5% của Ngân hàng SCB, nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối tại SCB. HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Lan và luật sư bào chữa cho rằng bà Lan chỉ nắm 15%, còn lại là của cổ đông nước ngoài và nhờ bạn bè đứng tên là không có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận.
Theo HĐXX, các bị cáo bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau. Bị cáo Trương Mỹ Lan trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại SCB, đủ dấu hiệu về mặt chủ thể có chức vụ, quyền hạn của tội Tham ô tài sản.
HĐXX khẳng định lời bào chữa cho rằng bị cáo Lan không có vai trò gì tại SCB là không có căn cứ, không được tòa chấp nhận. HĐXX nhận định có đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm vào các tội danh như cáo trạng truy tố.
Hậu quả do bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy nhà băng vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang cho khách hàng, người dân. Hành vi của 86 bị cáo mang tính có tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội.
Do đó, tòa cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự quy định với bị cáo Lan.
Theo Xuân Duy – Hoài Thanh/Dantri.com.vn