Khi da tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của kiến ba khoang sẽ gây nên tình trạng viêm da kích ứng và dẫn đến viêm nhiễm nếu không điều trị kịp thời. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, chúng tôi đã mời Bác sĩ chuyên khoa Thẩm mỹ Nội khoa Huỳnh Ngọc Hưng chia sẻ trong chương trình “Bác sĩ gia đình”. Hãy cùng tìm hiểu về cách nhận biết, triệu chứng, và biện pháp điều trị để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Nhận biết kiến ba khoang
Kiến ba khoang, còn gọi là kiến lác, kiến gạo, hay kiến nhốt, là loài côn trùng nhỏ có thân thon dài khoảng 1cm, mang màu sắc đặc trưng là đỏ và đen. Chúng có 3 đôi chân và bụng có các đốt màu đỏ, di chuyển nhanh chóng và có khả năng bay.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hưng chia sẻ về kiến ba khoang
Ban ngày, kiến ba khoang thường bò như kiến và sống ở các ruộng lúa, vườn cây, bìa rừng hoặc bãi rác thải. Chúng xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa khi độ ẩm cao và bị thu hút bởi ánh sáng đèn ban đêm, thường bay vào nhà khi đèn sáng, đặc biệt là ở các tòa nhà cao tầng gần cánh đồng.
Các triệu chứng thường thấy
Khi tiếp xúc với chất tiết chứa paederin từ cơ thể kiến ba khoang, da sẽ bị kích ứng mạnh, dẫn đến viêm da tiếp xúc. Các triệu chứng ban đầu bao gồm cảm giác ngứa rát và căng da, kèm theo đỏ vùng da tiếp xúc.
Hình ảnh vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang
Sau 6-12 giờ, vùng da tổn thương sẽ nổi các mụn nước không đều, có thể chuyển thành mụn mủ và gây loét, hoại tử da. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch và đau ở vùng cổ, nách, bẹn.
Những lưu ý của bác sĩ trong phòng ngừa và điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Ngay sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ tiếp xúc kiến ba khoang, cần rửa tổn thương với nhiều nước sạch. Nếu bị tiếp xúc vùng mắt cần rửa nhiều bằng nước muối sinh lý 0.9%.
Không tự ý mua thuốc bôi để điều trị, mà cần được khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang cây cối, bụi rậm.
Nếu khu vực sinh sống có kiến ba khoang, cần hạn chế sử dụng nhiều bóng đèn điện trong trường hợp không cần thiết, có thể sử dụng lưới chống côn trùng.
Khi phát hiện kiến ba khoang nên tìm cách xua chúng đi, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn cần kiểm tra kỹ, giũ sạch.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là một tình trạng phổ biến trong mùa mưa, đặc biệt khi độ ẩm cao. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hưng khuyến cáo mọi người nên cẩn trọng và thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe.
Bằng nhiều tình huống hài hước, gần gũi trong cuộc sống, Bác sĩ gia đình sẽ mang đến những kiến thức bổ ích và cập nhật những thông tin sức khỏe cần thiết.
Đón xem chương trình lúc 12h50 Chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1.
Nguyen Linh