Các trường hợp bướu giáp khổng lồ gây chèn ép, biến chứng nguy hiểm đều do tâm lý chủ quan, trì hoãn điều trị.
Bướu giáp không còn là bệnh lý thường gặp, đã được thông tin cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng ngày nay, vẫn không hiếm các trường hợp để bướu giáp phát triển quá lớn gây biến chứng, ảnh hưởng cả về mặt sức khỏe, thẩm mỹ lẫn tinh thần.
Nguyên nhân dẫn tới sự tồn tại của các bướu giáp khổng lồ xuất phát từ tâm lý chủ quan: cho rằng đây là bệnh lý lành tính, không lập tức nguy hiểm tính mạng. Từ đó, người bệnh trì hoãn điều trị dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.
Bác sĩ Trần Như Hưng Việt – Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ Bệnh viện Nhân dân Gia Định – thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân T.T.H. sau ca phẫu thuật bướu giáp khổng lồ – Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bướu to biến chứng thòng trung thất
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã phẫu thuật thành công cho một cụ bà mang bướu giáp khổng lồ chèn ép khí quản gây khó thở. Bệnh nhân là cụ T.T.H. (95 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM). Cách đây hơn 40 năm, cụ đi khám và phát hiện bị bướu cổ. Tuy nhiên, bệnh nhân chủ quan vì nghĩ kích thước bướu còn nhỏ nên không điều trị. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy khó thở nên đến bệnh viện khám và được chuyển vào Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ.
Tại đây, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có bướu cổ to gây biến dạng vùng cổ. Không những thế, khối bướu có khả năng chèn ép vào các cấu trúc xung quanh, nhất là khí quản và có khả năng thòng trung thất. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan cổ ngực có cản quang. Kết quả ghi nhận có bướu giáp to chèn ép gây hẹp khí quản cổ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Như Hưng Việt – Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ Bệnh viện Nhân dân Gia Định – nhận định bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim) nên đặt nội khí quản rất khó, quá trình gây mê và nguy cơ trong phẫu thuật rất cao. Ngoài ra, đây là bướu giáp đa nhân 2 thùy to, vôi hóa, chèn ép làm bóp dẹt khí quản và thòng 1 phần xuống trung thất. Điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình bóc tách bướu. Thêm nữa, việc bảo tồn những cấu trúc quan trọng lân cận trong cuộc mổ không dễ dàng.
Xét thấy đây là ca bệnh phức tạp, Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ đã mời hội chẩn liên chuyên khoa với các khoa khác của bệnh viện để đánh giá và thống nhất phương án phẫu thuật tối ưu cho bệnh nhân.
Sáng 23/4, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bướu. Các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức đã đặt thành công ống nội khí quản cho cụ H. Tiếp đó, các bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn 2 thùy tuyến giáp. Điều đáng mừng là trong quá trình thực hiện ca mổ, các cấu trúc quan trọng lân cận khối bướu của bệnh nhân vẫn được bảo tồn.
Chỉ sau mổ 1 ngày, người bệnh được rút ống nội khí quản và chuyển xuống Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu – Bướu cổ theo dõi. Không lâu sau đó, bệnh nhân được rút dẫn lưu và xuất viện. Bệnh nhân được điều trị ổn định với Thyrozol nên chức năng tuyến giáp đã về giới hạn bình thường.
Những ca mang bướu giáp khổng lồ như cụ H. không hiếm gặp. Vào tháng Ba, bệnh nhân H.H.K. (51 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được chẩn đoán có bướu cổ khổng lồ. Bệnh nhân phát hiện bị bướu giáp cách đây 10 năm nhưng chỉ theo dõi chứ không điều trị. Người bệnh cũng không lo lắng vì biết đây là bướu lành tính. Bỗng dưng bệnh nhân nuốt vướng, nuốt khó, khó thở nên đi khám lại. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện có khối u ở thùy phải tuyến giáp. Trên phim X-quang ngực của bệnh nhân có khối u vùng trung thất trên gây chèn ép khí quản ngực.
Khối bướu giáp thùy phải lớn còn thòng xuống trung thất, kích thước 5 x 15cm. Ngoài ra, phần dưới khối u nằm ở vùng trung thất sau chạm đến động mạch chủ của bệnh nhân. Khối u đẩy xẹp 50% khẩu kính khí quản ngực. Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách khối bướu thành công, đồng thời bảo tồn được dây thần kinh chi phối giọng nói, tuyến cận giáp, ngăn ngừa tình trạng chảy máu trong và sau mổ cho người bệnh.
Trước đó, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cũng phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân N.P.T. (53 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Bệnh nhân được chẩn đoán có bướu giáp từ 20 năm trước nhưng chủ quan không điều trị. Mãi tới khi khối bướu phát triển to gây chèn ép khiến khó thở, nuốt vướng, bệnh nhân mới đi khám lại. Mất khoảng 3 giờ, ê kíp phẫu thuật đã bóc tách thành công khối u có kích thước 20cm nặng gần 700g cho bệnh nhân.
Phát hiện và điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm
Tóc khô và gãy rụng cũng là một triệu chứng của bệnh bướu giáp – Ảnh minh họa: Internet
Từ những ca bệnh kể trên, có thể nhận thấy các trường hợp bướu giáp khổng lồ gây chèn ép, biến chứng nguy hiểm đều do tâm lý chủ quan, trì hoãn điều trị.
Bác sĩ Trần Như Hưng Việt cho biết, đa số trường hợp bướu giáp thòng là lành tính, chỉ 3 – 6% là ác tính. Có 2 nguyên nhân gây bướu giáp thòng: do sự lớn dần và di chuyển xuống trung thất của bướu giáp (thứ phát) hay bướu giáp lạc chỗ nằm hoàn toàn trong lồng ngực và không liên quan với cấu trúc tuyến giáp vùng cổ. Đây còn gọi là bướu giáp chìm thật sự trong trung thất (nguyên phát).
Bướu giáp thòng trung thất chiếm tỉ lệ nhỏ (3 – 20%) trong các trường hợp bướu giáp. Bướu giáp thòng trung thất không chỉ xâm lấn 2 thùy giáp, thực quản và khí quản mà còn thòng xuống lồng ngực, chèn ép các mạch máu quan trọng gây ra nhiều triệu chứng như tức ngực, khó thở, khàn giọng, nuốt nghẹn, thậm chí là hội chứng tĩnh mạch chủ trên.
Để tránh bướu giáp phát triển thành khổng lồ, người dân cần siêu âm tuyến giáp nhằm tầm soát, phát hiện nhân giáp ở giai đoạn sớm. Các bất thường của tuyến giáp có thể được ghi nhận qua khám hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu nghi ngờ có bất thường về tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán và đánh giá bệnh bướu cổ. Các phương pháp cận lâm sàng phải kể tới trong trường hợp này là xét nghiệm máu kiểm tra chức năng tuyến giáp, siêu âm tuyến giáp, đo hấp thụ i-ốt phóng xạ, chụp CT hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) tuyến giáp…
***Khi bị bướu giáp, bệnh nhân sẽ cảm thấy có cục u trước cổ, cổ họng căng tức. Ngoài ra, người bệnh có thể có các rối loạn về huyết áp, tim mạch, tóc khô và gãy rụng, kinh nguyệt không đều, tâm trạng thất thường, ngủ không ngon giấc, hay vã mồ hôi, cân nặng bất thường (tăng hoặc giảm cân dù dinh dưỡng hợp lý). Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu điển hình kể trên, cần đi khám chuyên khoa nội tiết hoặc ung bướu ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý tuyến giáp. Đa số các bướu giáp là lành tính, chỉ có một tỉ lệ nhỏ là ác tính. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp tương đối nhẹ nhàng và điều trị hiệu quả hơn các loại ung thư khác. Tùy tình trạng, kích thước, tính chất và nguyên nhân của bướu giáp, bệnh nhân sẽ có phác đồ can thiệp khác nhau. Quan trọng nhất là bướu giáp cần được phát hiện sớm và theo dõi định kỳ để có phương án xử trí thích hợp, kịp thời.
Khi phát hiện có khối bướu vùng cổ, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán và có hướng xử trí cũng như điều trị sớm, tránh trường hợp để bướu quá lớn, ăn sâu vào trong lồng ngực gây những biến chứng nguy hiểm. Lúc đó, khối bướu sẽ chèn ép khí quản, thực quản, mạch máu thần kinh, thậm chí hóa ác tính.
Theo Trâm Anh/Phunuonline.com.vn