Bất chấp đa số phụ huynh phản đối, các cấp quản lý vẫn tiếp tục tiến hành lệnh cấm nhiều đầu sách hơn vì sự vận động của thiểu số, trong đó gồm nhiều sách về chủng tộc hoặc LGBT+.
Ảnh minh họa: Axios.
Theo báo cáo vào tháng 3 vừa qua của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA), năm 2023 ghi nhận số lượng kỷ lục các đầu sách bị cấm tại trường học và thư viện nước này. Danh sách trải dài bao gồm cả những tiểu thuyết được giảng dạy phổ biến như Chúa ruồi (William Golding) và Giết con chim nhại (Harper Lee). Nhưng trong đó, nhiều tựa bị nhắm vào vì liên quan đến các vấn đề chủng tộc hoặc cộng đồng LGBTQ+.
Lệnh cấm sách gia tăng
Số sách bị cấm năm 2023 là 4.240 đầu sách, nhiều hơn cả hai năm trước đó cộng lại: 2.571 năm 2022 và 1.651 năm 2021. Điều này nghĩa là số lượng sách bị cấm tăng đột biến 65% vào năm 2023 so với năm 2022. ALA cũng ghi nhận 1.247 yêu cầu cấm các loại sách thư viện, tài liệu giảng dạy và các tài liệu khác vào năm ngoái. Số lượng đầu sách bị kiểm duyệt cũng tăng lên, cụ thể là tăng 92% ở các thư viện công cộng và 11% ở trường học.
Cuối tháng 4, ALA đã công bố danh sách những cuốn thường xuyên bị nhắm vào nhất trong năm 2023. 5 đầu sách bị cấm nhiều nhất là Gender Queer: A Memoir (Maia Kobabe), All Boys Are not Blue (George M Johnson, tạm dịch: Đâu phải phận trai nào cũng u sầu), This Book Is Gay (Juno Dawson, tạm dịch: Một quyển sách cong), The Perks of Being a Wallflower (Stephen Chbosky, tên tiếng Việt: Điệu vũ bên lề), Flamer (Mike Curato, tạm dịch: Người châm ngòi), The Bluest Eye (Toni Morrison, tên tiếng Việt: Mắt nào xanh nhất).
5 tác phẩm còn lại trong danh sách là Me and Earl and the Dying Girl (Jesse Andrews, tạm dịch: Tôi, Earl và cô nàng hấp hối), Tricks (Ellen Hopkins, tạm dịch: Chiêu trò), Let’s Talk About It: The Teen’s Guide to Sex, Relationships, and Being a Human (Erika Moen and Matthew Nolan, tạm dịch: Thảo luận: Hướng dẫn về giới tính, các mối quan hệ và chuyện làm người cho tuổi thiếu niên), Sold (Patricia McCormick, tạm dịch: Bị bán).
Điểm chung là 10 tựa sách này đều “bị cho là miêu tả trực tiếp tình dục”, trong đó 7 tựa gắn nhãn “nội dung liên quan đến LGBTQIA+”. Trong số 10 tựa này, Gender Queer: A Memoir, Flamer, Tricks, Sold, This Book Is Gay, The Bluest Eye đều đã nằm trong danh sách những cuốn bị cấm gắt gao nhất trong năm 2022.
Một số tên sách thường xuyên bị nhắm vào nhất trong các lệnh cấm. Ảnh: Jane Mount.
Danh sách tác phẩm thường xuyên bị cấm qua các năm, (như ảnh trên, từ trái qua) gồm: Giết con chim nhại, Người đua diều, Forever (tạm dịch: Mãi mãi), Bridge to Terabithia (td: Cây cầu đến Terabithia), Của chuột và người, Bắt trẻ đồng xanh, The House on Mango Street (td: Ngôi nhà trên đường xoài), Người truyền ký ức, Mắt nào xanh nhất, Chuyện người tùy nữ, Harry Potter và hòn đá phù thủy, And tango makes tree (td: Nhà Tango có ba người), Màu tím, The Absolutely True Diary Of A Part-Time Indian (td: Nhật ký có thật của một người Anh Điêng bán thời gian), Nếp gấp thời gian.
Theo The Guardian, những năm gần đây phong trào cấm sách đã phát triển trên khắp nước Mỹ. Nếu như các tựa thuộc danh sách bị cấm nhiều nhất năm 2022 chỉ có từ 10-15 lệnh cấm, thì con số này là 53-106 lệnh vào năm 2023.
Cấm sách là yêu cầu của thiểu số
Deborah Caldwell-Stone, Giám đốc Phòng Tự do tri thức của ALA nói với The New York Times rằng “thực sự đó là nỗ lực có tổ chức nhằm xóa bỏ một số tựa sách nhất định khỏi thư viện trường và thư viện công cộng” vì “họ nhắm đến các tựa sách giống nhau, với cùng những thủ thuật giống nhau”.
Theo Pen America (Hiệp hội Cây bút Mỹ), phong trào cấm sách này ban đầu nổ ra là do một số nhóm phụ huynh kêu gọi, vận động yêu cầu kiểm duyệt, thẩm định các tựa sách. Tuy nhiên, nhóm này chỉ là tiếng nói của thiểu số vì một khảo sát năm 2022 đã cho thấy 70% phụ huynh phản đối việc cấm sách. Dẫu vậy, phong trào vẫn tiếp diễn ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng hơn các nhóm bảo thủ vận động và dùng đến sức ép của các chính quyền địa phương.
Emily Drabinski, chủ tịch ALA, gọi lệnh cấm sách là “cuộc tấn công vào quyền tự do đọc sách”. Bà cho biết những cuốn sách vào tầm ngắm “lại tiếp tục xoay quanh chủ đề LGBTQ + và người da màu”. Từ đây, bà bày tỏ rằng “Cộng đồng và nước Mỹ mạnh mẽ hơn nhờ sự đa dạng. Các thư viện phản ánh sự đa dạng trong cộng đồng sẽ thúc đẩy học tập và tinh thần đồng cảm mà một số người muốn che giấu hoặc loại bỏ”.
4 tác giả nữ có sách bị nhắm vào (theo chiều kim đồng hồ): Margaret Atwood, Ellen Hopkins, Toni Morrison, Rupi Kaur. Ảnh: Evan Jenkins/NYT.
Drabinski nói: “Thư viện là những tổ chức quan trọng đối với mỗi và mọi cộng đồng ở đất nước này, và các chuyên gia thư viện, những người đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ quyền đọc của chúng ta, đang phải đối mặt với những mối đe dọa đối với việc làm và phúc lợi của họ”.
Phát ngôn này nhắc đến sự việc nhiều thủ thư, người quản lý thư viện nhận bị uy hiếp, đối mặt với những cáo buộc rằng họ “cung cấp ấn phẩm khiêu dâm”. Nhiều đối tượng bêu rếu họ trên mạng, kêu gọi đuổi việc hoặc thậm chí là bắt giữ họ. Những thư viện từ chối loại bỏ sách thậm chí bị đe dọa cắt nguồn tài trợ.
Nhằm chống lại các lệnh cấm này, nhiều tổ chức tự do ngôn luận, đơn vị xuất bản, tác giả, nhà bán sách và nhóm thư viện đã tổ chức phong trào phản kháng. Một số có động thái về pháp lý thúc đẩy chính quyền đưa ra hệ thống luật để bảo về “quyền được đọc”, cũng như đảm bảo thư viện được chọn lựa các bộ sưu tập sách mà không chịu các sức ép từ bên ngoài.
Caldwell-Stone kỳ vọng rằng công chúng “thấu hiểu hơn rằng thư viện cần phục vụ mọi người… có những cuốn sách ta không ưa trên kệ, nhưng nó ở đó dành cho độc giả khác”.
Theo Tâm Anh/Znews.vn