Sau khi tiêm tinh chất hủy mỡ, cô gái 23 tuổi, nổi nhiều nốt đỏ sưng cứng tại bụng, đùi, bác sĩ phát hiện bị biến chứng áp xe.
Ngày 12/11, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng các ổ mủ xuất hiện dày đặc khắp cơ thể, đỏ ửng, căng cứng gây đau nhức. Cô này đã tiêm tan mỡ tại một spa ở Hoàng Mai, được nhân viên nơi này quảng cáo là tiêm tan mỡ thực hiện nhanh chỉ trong vòng 45 phút, không đau. “Họ nói là sau 5-7 ngày tiêm, mỡ sẽ được đào thải qua hệ bài tiết và tôi sẽ lấy lại được vóc dáng thon gọn”, bệnh nhân tường thuật.
Tuy nhiên, sau tiêm một tuần (không rõ chất gì), vùng bụng, đùi của cô nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau vài ngày, các ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, cô đến viện khám, bác sĩ Thành chẩn đoán bị áp xe sau tiêm tan mỡ.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao. Sau hơn một tuần, các vết loét khô, các nốt viêm giảm sưng. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định điều trị tai biến tiêm tan mỡ là rất khó, bệnh nhân được theo dõi lâu dài.
Có ba nguyên nhân có thể gây xuất hiện các nốt viêm sau tiêm tan mỡ, theo bác sĩ. Thứ nhất là thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc, thứ hai là do kỹ thuật tiêm sai và cuối cùng là không đảm bảo vô trùng trong kỹ thuật tiêm.
Hiện nay, không có loại thuốc tiêm tan mỡ nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Vì vậy thuốc mà cơ sở thẩm mỹ tiêm cho bệnh nhân là hàng trôi nổi, không an toàn. Bác sĩ Thành cho biết về kỹ thuật tiêm, trong tất cả vị trí trên cơ thể, độ sâu của kim khi tiêm phải giữ ổn định, bởi nếu sai lệch có thể gây ra hoại tử các mô xung quanh như thần kinh, mạch máu, da.
Bác sĩ khuyến cáo nguyên nhân mỡ tích lũy là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý trong thời gian dài. Do đó, cần điều chỉnh chế độ ăn uống kèm với tập luyện. Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Theo Thúy Quỳnh/Vnexpress.net